1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nếu Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo, Nhật sẽ làm gì?

(Dân trí) - Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các hoạt động gần đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản, với việc quân đội được trao thêm quyền gần đây, có thể đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc tranh chấp ngày càng căng thẳng, tờ Japan Times viết.

 


Các tàu chiến của Nhật trình diễn trong lễ duyệt hạm ở Vịnh Sagami, phía nam Tokyo hồi cuối tuần trước (Ảnh: Bloomberg)

Các tàu chiến của Nhật trình diễn trong lễ duyệt hạm ở Vịnh Sagami, phía nam Tokyo hồi cuối tuần trước (Ảnh: Bloomberg)

Mỹ, được cho là đang cân nhắc tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, đã nhấn mạnh tới các tuyến vận tải biển gần đó, vốn đóng vai trò thiết yếu đối với sự lưu thông tự do của thương mại thế giới.

Các nguồn tin báo chí hồi đầu tháng này cho biết Mỹ đã quyết định tiến hành các cuộc tuần tra. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm cụ thể để Mỹ thực hiện kế hoạch này.

Kể từ tháng 9/2013, Trung Quốc đã tiến hành các dự án cải tạo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc xây dựng ít nhất 1 đường băng. Ước tính, 5 nghìn tỷ USD giá trị thương mại giao dịch quốc tế đi qua Biển Đông mỗi năm.

Biển Đông ảnh hưởng tới Nhật hơn cả Hoa Đông

Các tuyến vận tải biển thương mại qua Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản. Tokyo lo ngại rằng về các hậu quả có thể xảy ra nếu Bắc Kinh thống trị các tuyến đường biển này.

Theo ông Zack Cooper, một chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu và chiến lược (CSIS) tại Washington (Mỹ), cho rằng Nhật Bản có 2 lo ngại: mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực, và tiền lệ mà các hành động bành trướng của Trung Quốc tại đó có thể tạo ra.

“Trong khi các lực lượng Mỹ và các quốc gia khu vực trợ giúp để bảo vệ các tuyến đường biển… nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do của thương mại qua các tuyến đường quan trọng này, bất kỳ sự tranh cãi nào đối với các vùng biển quốc tế cũng là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia láng giềng, mà còn tất cả các nước có lợi ích trong sự thịnh vượng và an ninh khu vực”, ông Cooper nói.

“Nếu Trung Quốc được phép o ép các quốc gia châu Á nhỏ hơn ở Biển Đông, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia lớn hơn như Nhật Bản, nước cũng đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Hoa Đông”, chuyên gia Cooper nói thêm.

Mặc dù tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông từ lâu đã làm lu mờ tranh chấp Biển Đông tại Nhật Bản, một số quan chức chính phủ và các chuyên gia tin rằng hai vấn đề này có liên quan chặt chẽ với nhau.

Vào năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó là Itsunori Onodera đã nhấn mạnh sự liên quan đó khi nói rằng Tokyo “đặc biệt lo ngại về tình hình tại Biển Đông có thể ảnh hưởng tới tình hình ở Hoa Đông”.

Trong một bài viết năm 2012 trước khi trở thành Thủ tướng, ông Shinzo Abe thậm chí còn trực tiếp liên hệ 2 cuộc tranh chấp lãnh thổ trên.

“Nhật Bản không được lùi bước trước các hành động của Trung Quốc quanh Senkaku… Bằng việc cho các tàu hiện diện thường xuyên, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập quyền tài phán quanh các đảo như một sự đã rồi… Nếu Nhật Bản chùn bước, Biển Đông thậm chí sẽ còn bị gia cố hơn”, ông Abe viết trên trang web Project Syndicate.

Một số chuyên thậm chí còn cho rằng vấn đề Biển Đông có thể ảnh hưởng tới Nhật Bản hơn tranh chấp ở Hoa Đông.

“Vấn đề Biển Đông quan trọng hơn nhiều với Nhật Bản, không chỉ từ góc độ kinh tế, mà còn từ quan điểm chiến lược/quân sự, trong khi vấn đề Hoa Đông chỉ là vấn đề chiến thuật và dễ kiểm soát hơn”, ông Tetsuo Kotani, chuyên gia tại Viện các vấn đề quốc tế Nhật Bản, chuyên về an ninh hàng hải, nhận định.

Tokyo đang thực hiện một cách tiếp cận đa phương đối với vấn đề Biển Đông. Nhật Bản đang quốc tế hóa tranh chấp tại các diễn đàn đa phương, thúc đẩy sự đoàn kết trong ASEAN, trợ giúp tăng cường năng lực của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền và phối hợp với Washington.

Tuần tra chung với Mỹ?

Tuy nhiên, vẫn có khả năng Tokyo sẽ thay đổi mạnh mẽ về chính sách, đặc biệt nếu Mỹ thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

“Nếu và khi Mỹ quyết định thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Trường Sa nhằm gửi một thông điệp rằng tự do hàng hải ở Biển Đông phải được tôn trọng, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động như vậy trên cơ sở thường xuyên”, Ian Storey, chuyên gia về các vấn đề hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nhận định.

“Điều đó mở ra khả năng Mỹ sẽ mời các quốc gia khác tham gia trong tương lai. Úc và Nhật có thể là các ứng viên tiềm năng”, ông Storey nói.

Tuy nhiên, ông Storey cũng lưu ý rằng, nếu Tokyo nhận một lời mời như vậy có thể cho thấy sự gia tăng đáng kể vai trò của Nhật trong tranh chấp và gần như chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật.

Chuyên gia Zack Cooper cũng đồng tình rằng các cuộc tuần tra của Nhật là có khả năng, nhưng nhấn mạnh là bất kỳ quyết định nào của Tokyo phải có sự tham vấn với Mỹ, đồng thời cũng phải đánh giá các rủi ro, lợi ích và thời điểm thích hợp cho một động thái như vậy.

“Nhật Bản chắc chắn có quyền tiến hành các hoạt động tương tự trong vùng biển quốc tế, tự làm hoặc phối hợp với Mỹ. Việc Trung Quốc có tiếng nói hơn trong các vấn đề quốc tế là phù hợp, nhưng Bắc Kinh sẽ phải tôn trọng các quy định quốc tế, nếu không sẽ làm tổn hại tới trật tự khu vực mà Trung Quốc cũng nhờ đó mới có được sự lớn mạnh như vậy”, ông Cooper bình luận.

Những người khác thì cho rằng nhiều khả năng Tokyo sẽ tiếp tục cách tiếp cận đa phương đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt sau khi Nhật Bản thông qua các luật an ninh mới, cho phép nước này tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp bên ngoài lãnh hải của mình.

“Nhật Bản cần đi đầu trong vấn đề Biển Đông và Hoa Đông”, Corey Wallace, nhà phân tích chính sách an ninh tại Trường nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Freie Universitat, Berlin nhận định.

“Về vấn đề Biển Đông, Nhật Bản đã thận trọng để không đi trước các nước khác trong khu vực. Vì vậy, nếu không có sự phối hợp trong khu vực, chính phủ sẽ do dự. Tôi cho rằng họ sẽ tiếp tục tập trung vào việc xây dựng năng lực quân sự và hàng hải”, ông Wallace nói.

An Bình

Theo Japan Times

 

Nếu Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo, Nhật sẽ làm gì? - 2