Nhật cạnh tranh với Trung Quốc, tài trợ khu vực sông Mê Kông 6 tỷ USD
(Dân trí) - Nhật Bản quyết định tài trợ 6,1 tỷ USD cho các quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông trong vòng 3 năm tới, một động thái được cho là "nhằm giành lại sự ảnh hưởng trong khu vực từ Trung Quốc".
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị cấp cao Mê Kông – Nhật Bản (Ảnh: Tân Hoa xã)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Nhật Bản mong muốn là một đối tác trong quá trình phát triển khu vực Mê Kông. Đây là khu vực rất có tiềm năng trong thời gian tới”.
Chiến lược mới của Nhật Bản trong năm 2015 về Hợp tác Nhật Bản - Mê Kông đã quyết định nâng mức hỗ trợ cho các quốc gia khu vực này từ cam kết 4,1 tỷ USD trong năm 2009 lên mức 6,1 tỷ USD.
Kế hoạch tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với các quốc gia thuộc khu vực Mê Kông trong thời gian tới sẽ bắt đầu bằng những dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, nguồn nhân lực công nghiệp, phát triển ổn định và phối hợp xây dựng chính sách cho các công ty.
Hiện chưa rõ liệu cam kết đầu tư nêu trên có trùng với sáng kiến đầu tư mà Thủ tướng Shinzo Abe vừa công bố hồi tháng 5 vừa qua, theo đó, sẽ đầu tư 110 tỷ USD để thúc đẩy một “cơ sở hạ tầng chất lượng” ở châu Á trong 5 năm tới.
Giới chuyên gia đánh giá kế hoạch hỗ trợ của Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, cũng như mang đến cơ hội việc làm cho các công ty Nhật Bản.
Về mặt khác, quyết định đầu tư lên tới 6,1 tỷ USD của Tokyo được giới quan sát chính trị đánh giá là động thái nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực.
Thời gian qua, căng thẳng trong khu vực đã gia tăng sau những hành động cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Do đó, dù không nhắc tới Trung Quốc nhưng Nhật Bản cũng đã đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận trong hội nghị cuối tuần qua.
“Các bên đều bày tỏ quan ngại về những hoạt động của Trung Quốc trong thời gian qua tại Biển Đông. Chúng tôi coi đó là những hành động làm gia tăng căng thẳng, hủy hoại niềm tin và có thể đe dọa tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Các bên tham dự hội nghị cũng tái khẳng định mong muốn duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế”, một nguồn tin cho biết.
Ngọc Anh
Theo WantChinaTimes
Theo WantChinaTimes