1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản tuyên bố "không thể khoan dung" sau cuộc họp báo của cựu chủ tịch Nissan

(Dân trí) - Hơn một tuần sau cuộc đào tẩu khỏi Nhật Bản gây chấn động dư luận, cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn ngày 8/1 đã lần đầu tổ chức họp báo để nói về quyết định này. Giới chức Nhật Bản đã lên tiếng phản bác những cáo buộc mà ông Ghosn đưa ra tại họp báo.

Nhật Bản tuyên bố không thể khoan dung sau cuộc họp báo  của cựu chủ tịch Nissan - 1

Cựu chủ tịch Nissan Carlos Ghosn trong cuộc họp báo ngày 8/1. (Ảnh: Reuters)

"Tôi không trốn chạy công lý. Tôi chỉ trốn chạy sự bất công", cựu chủ tịch Nissan Ghosn nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại thủ đô Beirrut, Li Băng ngày 8/1. Ông này cho biết, mục đích họp báo này không phải để tiết lộ cách thức ông đã rời Nhật Bản ra sao mà để "minh oan" cho mình.

"Tôi cảm thấy mình như một con tin ở đất nước mà tôi đã cống hiến suốt 17 năm", ông Ghosn nói và cho biết thêm rằng việc ông bị bắt giữ ở Nhật Bản cuối năm 2018 là kết quả của một âm mưu nhằm hạ bệ ông. Ông Ghosn cáo buộc có sự "cấu kết" giữa Nissan với một số quan chức Nhật Bản và thậm chí ông có thể kể tên từng người đứng sau âm mưu này. Theo ông trùm ngành ô tô một thời này, mỗi ngày Nissan mất hơn 40 triệu USD kể từ khi ông bị bắt. Tính đến nay, giá trị thị trường của Nissan giảm hơn 10 tỷ USD.

Ông Ghosn cũng cáo buộc ông bị "ngược đãi" khi bị điều tra ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Ghosn đã lảng tránh câu hỏi của phóng viên khi đề cập đến cách thức bỏ trốn khỏi Nhật Bản ngay cả khi bị giám sát an ninh nghiêm ngặt. Theo truyền thông quốc tế, ông Ghosn đã thuê 2 máy bay để thực hiện kế hoạch đào tẩu xuyên lục địa từ Osaka đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) sau đó đến Beirut (Li Băng).

Ông Ghosn bị Nhật Bản bắt giữ tháng 11/2018 với các cáo buộc gian lận tài chính tại tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản Nissan. Ông được bảo lãnh tại ngoại ở Tokyo với số tiền bảo lãnh lên tới gần 14 triệu USD và bị giám sát nghiêm ngặt, bị hạn chế liên lạc trong thời gian chờ phiên tòa xét xử dự kiến vào cuối năm 2020. Tại cuộc họp báo hôm qua, ông nói rằng, những cáo buộc nhằm vào ông là “vô căn cứ".

Phản ứng về những thông tin mà ông Ghosn đưa ra tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Masako Mori hôm nay nói rằng, những cáo buộc của ông Ghosn nhằm vào hệ thống tư pháp của Nhật Bản là "không thể khoan dung".

"Ông ấy đã lan truyền thông tin sai lệch cả ở Nhật Bản và quốc tế về hệ thống pháp lý của Nhật Bản. Điều này là không thể khoan dung. Tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi để đảm bảo thế giới nhìn nhận đúng đắn về hệ thống tư pháp của Nhật Bản", Bộ trưởng Mori nói.

Trong tuần này, giới chức Nhật Bản đã ra lệnh bắt giữ bà Carole Ghosn, vợ của ông Carlos Ghosn, với cáo buộc khai man trong phiên tòa hồi tháng 4. Bà Carole bị nghi ngờ có vai trò trong vụ đào tẩu của chồng. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Masako Mori ngày 6/1 khẳng định nước này vẫn có thể gây sức ép với Li Băng để dẫn độ ông Ghosn ngay cả khi hai nước không có hiệp ước dẫn độ. Interpol hồi tuần trước cũng ra lệnh truy nã đỏ đối với ông Ghosn. Về phía Li Băng, giới chức nước này khẳng định, ông Ghosn nhập cảnh vào đất nước họ hoàn toàn hợp pháp với cuốn hộ chiếu Pháp.

Minh Phương
Theo Reuters