Nhật Bản tính triển khai tên lửa đối phó Trung Quốc trên biển
(Dân trí) - Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc triển khai một đơn vị tên lửa chống hạm với tới đảo ở tỉnh Okinawa nhằm đối phó với các tham vọng hàng hải của Trung Quốc, Kyodo đưa tin.
Kyodo dẫn các nguồn tin ngày 27/2 cho biết chính phủ Nhật Bản đang xem xét kế hoạch triển khai một đơn vị tên lửa đất đối hạm lên đảo Miyako thuộc tỉnh Okinawa để tăng cường năng lực phòng thủ đối phó với các mối đe dọa nhằm vào các đảo xa xôi ở khu vực tây nam của nước này.
Ngoài ra, Tokyo cho rằng đảo chính Okinawa, đảo lớn nhất của tỉnh Okinawa, cũng nên được trang bị một đơn vị tên lửa trong bối cảnh các tàu hải quân của Trung Quốc thường xuyên đi lại qua khu vực nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa, hay còn gọi là eo biển Miyako, trên biển Hoa Đông.
Đảo Miyako nằm cách đảo chính Okinawa khoảng 290 km về phía tây nam. Loại vũ khí dự kiến được Nhật Bản triển khai trên các đảo này là các tên lửa đất đối hạm Type-12 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản với tầm bắn hơn 100 km. Theo Kyodo, bằng cách triển khai các đơn vị tên lửa này lên các đảo Miyako và Okinawa, chính phủ Nhật Bản tin rằng có thể kiểm soát toàn bộ khu vực eo biển Miyako.
Kể từ khi 4 tàu hải quân Trung Quốc đi qua khu vực nằm giữa đảo chính Okinawa và đảo Miyako lần đầu tiên vào tháng 11/2008, nhiều tàu của Trung Quốc cũng di chuyển qua lối này. Mặc dù việc đi lại qua các vùng biển nhộn nhịp không vi phạm luật quốc tế, song Tokyo vẫn luôn đề cao cảnh giác các hoạt động của tàu Trung Quốc.
Ngoài đảo Miyako, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch triển khai các đơn vị phụ trách vận hành tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo Amami-Oshima của tỉnh Kagoshima và đảo Ishigaki của tỉnh Okinawa. Các nguồn tin cho biết một trung tâm chỉ huy hành chính cũng sẽ được xây dựng trên đảo chính của tỉnh Okinawa. Theo đó, các đơn vị tên lửa đất đối hạm được triển khai trên các đảo Miyako, Amami-Oshima và Ishigaki đều nằm dưới sự kiểm soát của trung tâm này.
Các đảo Miyako và Ishigaki nằm cách không xa quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý trên biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này và đặt tên là Điếu Ngư. Các tàu của chính phủ Trung Quốc cũng thường xuyên bị phát hiện đi vào vùng biển xung quanh quần đảo này, từ đó làm dấy lên nhiều tranh cãi giữa hai quốc gia.
Thành Đạt
Theo Kyodo