Nhật Bản thử nghiệm thuốc Covid-19 có thể diệt virus trong 5 ngày
(Dân trí) - Một công ty Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm trên người thuốc uống dành cho bệnh nhân Covid-19, cạnh tranh với Pfizer và Merck trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị dịch bệnh.
Theo Wall Street Journal, công ty Shionogi có trụ sở tại Osaka (Nhật Bản) - công ty phát triển loại thuốc giảm cholesterol Crestor cho biết họ đã bào chế thuốc để tiêu diệt virus SARS-CoV-2. Shionogi cho biết với liều lượng chỉ một liều mỗi ngày, thuốc điều trị Covid-19 của công ty này sẽ thuận tiện hơn cho người sử dụng.
Shionogi cho biết công ty đang thử nghiệm thuốc Covid-19 và kiểm tra các phản ứng phụ của thuốc trong quá trình thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm vừa bắt đầu trong tháng này và nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2022.
"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một loại thuốc uống thực sự an toàn, như Tamiflu, Xofluza", Isao Teshirogi, giám đốc điều hành của Shionogi, cho biết.
Ông Teshirogi cũng cho biết, thuốc Covid-19 của Shionogi được bào chế để vô hiệu hóa virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân uống thuốc.
Theo đại diện của Shionogi, công ty này dự kiến mời 50-100 tình nguyện viên khỏe mạnh tham gia thử nghiệm thuốc Covid-19 tại Nhật Bản. Công ty cũng dự định tiến hành cuộc thử nghiệm lớn hơn tại Nhật Bản vào cuối năm nay.
Ông Teshirogi nói rằng, phân tích ban đầu cho thấy virus không dễ dàng đột biến để tránh tác dụng của thuốc do công ty Shionogi bào chế.
Theo ông Teshirogi, Shionogi không có kế hoạch giới hạn thử nghiệm thuốc Covid-19 do công ty bào chế cho những bệnh nhân mới được chẩn đoán gần đây. Nếu loại thuốc này có triển vọng, Shionogi có thể sẽ hợp tác với một hãng dược toàn cầu để triển khai thuốc ra toàn thế giới.
Shionogi đi sau các hãng Pfizer và Merck nhiều tháng trong việc thử nghiệm thuốc Covid-19.
Pfizer cho biết loại thuốc viên uống hai lần mỗi ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường nhanh nhất trong năm nay. Pfizer chuẩn bị sẵn sàng cho 2.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm loại thuốc trên kết hợp với thuốc kháng virus tăng cường.
Trong khi đó, Merck hồi tháng 4 cho biết loại thuốc của họ, vốn được nghiên cứu từ nhiều năm trước để điều trị Ebola, đã thành công trong việc giảm lượng virus ở những bệnh nhân Covid-19 và có thể làm giảm nguy cơ nhập viện. Các cuộc nghiên cứu lớn hơn đang được tiến hành, tập trung vào những người đã được chẩn đoán mắc Covid-19 trong vòng 5 ngày trước đó và có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Cả 3 công ty trên đều đặt mục tiêu lấp đầy những lỗ hổng lớn nhất trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19. Các nghiên cứu gần đây cho thấy vắc xin hiện vẫn có hiệu quả trong việc ngăn chặn những ca bệnh nặng do các chủng virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những người chưa tiêm vắc xin, hoặc đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh.
Các hãng dược đều đang nỗ lực tìm kiếm một loại thuốc viên để những bệnh nhân Covid-19 nếu có triệu chứng nhẹ có thể uống ngay tại nhà. Cơ quan Y tế và Sinh học Liên bang Nga (FMBA) hồi tháng 12 năm ngoái từng thông báo về việc phát triển thuốc trị Covid-19 với kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu quả trên 99%.