1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Làn sóng “phi giới tính” bùng nổ ở Nhật Bản

(Dân trí) - Ngày càng nhiều đàn ông Nhật Bản muốn thể hiện cá tính và sở thích của riêng bản thân thông qua việc trang điểm và ăn mặc giống phụ nữ. Họ tự gọi mình là những người thuộc trường phái “phi giới tính”.

Làn sóng “phi giới tính” bùng nổ ở Nhật Bản

Anh Toman Sasaki. (Ảnh: New York Times)
Anh Toman Sasaki. (Ảnh: New York Times)

Bằng những nét vẽ tỉ mẩn như những nghệ nhân gốm sứ, chàng trai Nhật Bản Toman Sasaki đánh nhẹ lớp kem nền trên gương mặt, tạo khối trên sống mũi và tô son lên môi bằng một cây chổi trang điểm nhỏ. Sau 40 phút kì công trang điểm, Toman nhìn vào trong gương và hài lòng với diện mạo của mình.

Cùng với bộ móng tay được điểm tô kỹ lưỡng, mái tóc dài che một phần gương mặt và giày cao gót, Toman trông khá nữ tính so với hình tượng thường thấy của một người đàn ông. Dường như, Toman đang đi ngược lại với tiêu chuẩn của xã hội Nhật Bản khi người ta phân biệt phụ nữ và nam giới thông qua trang phục thường ngày của người đó.

Toman, một người mẫu, một ca sĩ trong nhóm nhạc không coi phong cách ăn mặc của mình là nữ tính, anh gọi chúng bằng thuật ngữ “phi giới tính”. Toman tự nhận anh thuộc một nhóm quy mô nhỏ, nhưng đang phát triển từng ngày có tên là “trai trẻ không giới tính”. Và anh cũng đang phát triển nghề nghiệp và định hướng tương lai theo phong cách này.

“Ẩn sâu bên trong, tôi là một người đàn ông”, Toman chia sẻ, và khẳng định với anh khái niệm giới tính “không thực sự cần thiết”.

“Mọi người có quyền lựa chọn trang phục và bất cứ phong cách ăn mặc phù hợp với họ. Không phải là đàn ông phải làm thế này thì phụ nữ phải làm thế khác. Tôi không hứng thú với điều đó. Chúng ta cũng đều chỉ là con người mà thôi”, Toman chia sẻ.

“Không giới tính” dường như đã trở thành làn sóng, xu hướng ở Nhật Bản khi đàn ông nước này đang dần phá vỡ những chuẩn mực giới tính như nhuộm tóc, dùng kính sát tròng, tô son môi sáng màu.

Ngoài Toman, ngày càng nhiều chàng trai lựa chọn phong cách phi giới tính và được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ryuji Higa, còn được gọi là Ryucheru, nổi tiếng với mái tóc vàng hoe uốn lọn và dải băng đầu. Genki Tanaka đã trở thành “ngôi sao” trên mạng xã hội Nhật Bản với những bộ váy ngắn hay váy bạch kim dài.

Giáo sư về nhân chủng học Jennifer Robertson, Đại học Michigan (Mỹ) nhận định những người đàn ông theo phong cách “không giới tính” ở Nhật Bản dường như đang làm xóa nhòa đi ranh giới rõ ràng giữa nam và nữ, và loại bỏ giới hạn về trang phục mà đàn ông có thể mặc.

Nền "văn hóa phi giới tính" khởi sắc

Một người mẫu theo trường phái phi giới tính. (Ảnh: SBS)
Một người mẫu theo trường phái "phi giới tính". (Ảnh: SBS)

Vẻ đẹp phi giới tính cũng nổi tiếng ở Nhật Bản một phần vì sự bùng nổ của truyện tranh Nhật Bản, còn được gọi là Anime. Thêm vào đó, sự “lăng xê” của các nhóm nhạc nam cũng khiến xu hướng này dần trở thành trào lưu.

Khái niệm “trai trẻ không giới tính” vốn là sản phẩm của một “ông bầu” giải trí, Takashi Marumoto, người đã nâng đỡ cho sự nghiệp của Toman. Ông Marumoto đã tuyển mộ những người sẵn sàng theo đuổi hình tượng phi giới tính, dùng truyền thông xã hội để quảng bá cho những người mẫu, cũng như thúc đẩy trào lưu này bùng nổ.

Khác với phương Tây, dư luận Nhật Bản đón nhận những chàng trai phi giới tính này với thái độ cởi mở hơn. Họ quan tâm nhiều hơn tới thời trang và có xu hướng ít quan tâm tới xu hướng giới tính của người mặc.

Ngay cả những người đàn ông theo xu hướng “phi giới tính” cũng cho rằng việc họ mặc như thế nào không ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của họ. Họ vẫn cho rằng đàn ông là phái mạnh, phụ nữ là phái yếu và đàn ông nên có trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ phụ nữ.

Theo CNN, hình tượng "đàn ông nữ tính" và "phụ nữ nam tính" vốn không quá lạ thường trong văn hóa truyền thống Nhật Bản. Họ có những khái niệm như onnagata (diễn viên nam mặc đồ nữ), hay otokoyaku (diễn viên nữ mặc phục trang nam) trong các nhà hát cổ truyền.

Hay ở Nhật Bản vẫn tồn tại những câu lạc bộ nơi người tham gia có thể thoải mái lựa chọn trang phục theo sở thích, ví dụ như câu lạc bộ Elizabeth ở Tokyo. Đối tượng của câu lạc bộ này là dân văn phòng, trung tuổi, với xu hướng tình dục dị tính. Đến nơi đây, họ có thể tự do rũ bỏ hình ảnh doanh nhân, dân công sở đạo mạo ban ngày, khoác lên mình những lớp trang điểm và quần áo nhằm giải tỏa căng thẳng từ công việc, hay chỉ để thỏa mãn sở thích cá nhân.

Các câu lạc bộ "thay đổi diện mạo" hay nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản giúp cho người dân nước này dễ tiếp nhận hơn với xu hướng mới. Thêm vào đó, trào lưu âm nhạc Hàn Quốc lan sang Nhật Bản cũng góp phần khiến dư luận có cái nhìn thoáng hơn với việc đàn ông trang điểm và trở nên nữ tính hơn.

Đức Hoàng

Tổng hợp