1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bí mật tên lửa Taepodong-2 của Triều Tiên (3)

Nhận dạng “con hổ” Taepodong-2

Đầu năm 1999, vệ tinh gián điệp Mỹ thu được các hình ảnh cho thấy CHDCND Triều Tiên đã nâng cấp một số bệ phóng vốn dành cho tên lửa Taepodong-1 để chuẩn bị phóng tên lửa lớn hơn, có thể là Taepodong-2.

Các dấu hiệu thu được là giàn đỡ tên lửa trước kia dùng để phóng Taepodong-1 nay được nâng thêm chiều cao từ 22 m trước đây lên 33 m. Việc nâng cấp giàn tên lửa này hoàn thành vào khoảng cuối tháng 7/1999.

 

Một tháng sau các dấu hiệu chứng tỏ việc chế tạo tên lửa vượt đại châu (ICBM) Taepodong-2 đã ở vào giai đoạn cuối. Có vẻ như một quả tên lửa loại này đang được cất giấu tại một nơi nào đó gần bệ phóng.

 

Trước khi được đưa ra phóng, cần ít nhất 2 ngày lắp tên lửa Taepodong-2 vào giàn đỡ bệ phóng sau đó cần thêm một thời gian nữa để nạp nhiên liệu lỏng và để kiểm tra các hệ thống điện tử của các động cơ tên lửa. Một quả tên lửa Taepodong-2 cần phải được nạp vài xe tải thùng đựng nhiên liệu lỏng.

 

Mặc dù cuối năm 1999 phía CHDCND Triều Tiên chuẩn bị khá ráo riết cho cuộc thử đầu tiên đối với loại tên lửa Taepodong-2. Tuy nhiên, đến cuối năm đó, không hiểu lý do gì đã khiến CHDCND Triều Tiên không tiếp tục các hoạt động này nữa.

 

Giới quan sát quân sự nước ngoài mới chỉ được nghe đồn đại về loại tên lửa này của CHDCND Triều Tiên chứ chưa ai được mục kích trực tiếp để có thể mô tả hình hài của tên lửa Taepodong-2.

 

Năm 2005, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện một tài liệu về tên lửa ICBM Taepodong-2 của CHDCND Triều Tiên với các thông số kỹ thuật chi tiết.

 

Tạp chí “Các hệ thống vũ khí chiến lược của Jane” thậm chí còn cho rằng CHDCND Triều Tiên đang phát triển tầng thứ 3 của tên lửa đẩy Taepodong-2.

 

Theo các tài liệu này, tên lửa Taepodong-2 còn có các tên gọi khác là Moksong-2, Pekdosan-2. Đây là loại tên lửa vượt đại châu ICBM có tầm bắn từ 6.000-9.000 km được đưa vào sử dụng từ năm 2004.

 

Tên lửa Taepodong-2 hiện mới chỉ được thiết kế cho các bệ phóng từ mặt đất. Cho đến năm 2004 Taepodong-2 mới được chế tạo hai tầng đẩy dùng nhiên liệu lỏng.

 

Tuy nhiên, loại tên lửa ICBM này dễ dàng được nâng cấp thành tên lửa 3 tầng đẩy để kéo dài thêm tầm bắn. Taepodong-2 được trang bị một đầu đạn nặng 750 kg có thể là đầu đạn hạt nhân, vũ khí sinh học, hóa học. Tên lửa này có kích thước dài 35 m, đường kính thân 2,10 m.

 

Các chuyên gia quân sự Nga, Mỹ, Nhật Bản cho rằng tên lửa Taepodong 2 tuy có tầm bắn xa nhưng lại kém về độ chính xác. Mặc dù độ chính xác chưa cao nhưng cho đến nay tên lửa Taepodong-2 vẫn là mối đe doạ số 1 từ CHDCND Triều Tiên đối với Mỹ.

 

Nhiều chuyên gia vũ khí quốc tế tin rằng CHDCND Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu chế tạo tên lửa ICBM Taepodong-2 từ năm 1990. Gần đây, Pakistan và Iran đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Bình Nhưỡng đối với ngành công nghiệp chế tạo tên lửa của họ. Có thể vì vậy mà tên lửa Shahab-5/6 của Iran có cấu tạo tương tự như tên lửa Taepodong-2 của CHDCND Triều Tiên.

 

Nguồn thu ngoại tệ chủ yếu

 

Năm 2004, thế giới quan ngại trước các tin nói về việc CHDCND Triều Tiên xuất khẩu ồ ạt các loại tên lửa cho nhiều quốc gia ở Trung Đông. Các nước nhập khẩu tên lửa từ CHDCND Triều Tiên được báo chí nêu lên là Iran, Libya, Yemen, Pakistan.

 

Tuy nhiên, các mặt hàng nhập khẩu vào những nước nói trên không giống nhau. Một tờ báo của Nhật Bản cho rằng Bình Nhưỡng và Tehran đàm phán về việc Iran mua tên lửa Taepodong-2 từ CHDCND Triều Tiên.

 

Bình Nhưỡng xuất tên lửa Taepodong-2 dưới dạng linh kiện rời. Sau đó, các linh kiện được chuyển đến nhà máy Shahid Hemat gần Tehran để lắp ráp.

 

Pakistan không nhập Taepodong-2 mà nhập khẩu tên lửa Nodong (thế hệ cũ hơn) từ Bình Nhưỡng. Sau này, các chuyên gia vũ khí Pakistan đã cải tiến tên lửa Nodong thành tên lửa Ghauri hay còn gọi là tên lửa “Hatf-5”.

 

Đối với trường hợp của Libya, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho rằng trong năm 2002, Tripoli nhập nhiều máy móc, thiết bị liên quan đến tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

 

Riêng trường hợp của Yemen, tháng 12/2002 hải quân Tây Ban Nha đã phát hiện một tàu thủy đang chạy trên biển Arập, chở nhiều tên lửa Scud hướng tới Yemen. Lập tức tầu hải quân Mỹ trong khu vực can dự bắt tạm giữ con tầu nói trên.

 

Tuy nhiên, lúc đó Chính phủ Yemen đã hoàn toàn bác bỏ việc nước này nhập khẩu tên lửa Scud từ Bình Nhưỡng nên phía Mỹ đồng ý không tiếp tục giam giữ con tàu nói trên. Chính phủ Yemen phải cam kết rằng trong tương lai nước này sẽ không tìm cách mua tên lửa Scud.

 

Trong điều kiện CHDCND Triều Tiên bị cấm vận về kinh tế, xuất khẩu vũ khí, đặc biệt là xuất khẩu tên lửa tầm xa, được coi là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Bình Nhưỡng. Một quả tên lửa Taepodong-1 đời đầu tại thị trường quốc tế được chào bán với giá 6 triệu USD.

 

Giáo sư Hideshi Takesada thuộc Viện nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản cho biết, mỗi năm CHDCND Triều Tiên có thể thu về từ 300 triệu USD đến 1 tỷ USD từ việc bán tên lửa.

 

 (Còn tiếp)

 

Theo Nguyễn Đại Phượng

Người lao động