1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ai là khách hàng của nhà xuất khẩu tên lửa Bình Nhưỡng?

(Dân trí) - Tuy CHDCND Triều Tiên là một nước nghèo, nhưng họ lại sở hữu một trong những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới. Ngay cả trước những năm Bình Nhưỡng bị rơi vào khủng hoảng kinh tế, bị nạn đói, nghèo hoành hành, hệ thống tên lửa của họ đã là nỗi khiếp sợ của nhiều đối thủ.

Trải qua nhiều năm, CHDCND Triều Tiên đã kiếm được khá nhiều lợi nhuận từ việc bán tên lửa và các thiết bị đi kèm với nó. Người ta cho rằng tiền bán tên lửa chính là nguồn cung cấp cho chương trình hạt nhân của nước này. Đó là lý do vì sao Mỹ và các nước phương tây ráo riết ngăn chặn CHDCND Triều Tiên xuất khẩu tên lửa.

 

Joseph Bermudez, một nhà nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên ở Mỹ, cho rằng các nước đã mua các thiết bị và công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng gồm có Iran, Ai Cập, Pakistan, Libya, Syria và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã mất hai khách hàng quan trọng: đó là Pakistan, do trở thành một đồng minh của Mỹ, và Libya, do Tổng thống Muammar Gaddafihas cam kết sẽ từ bỏ chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

 

Được các chuyên gia và các kỹ thuật viên thuộc Liên Xô cũ giúp đỡ, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất tên lửa đất đối không từ hơn 40 năm trước. Nhưng những quả tên lửa đầu tiên vẫn còn rất thô sơ. Phải đến năm 1917, khi Bình Nhưỡng ký một hiệp ước quân sự với Bắc Kinh thì nền công nghiệp sản xuất tên lửa mới thực sự bùng nổ.

 

Và dần dần, người Triều Tiên bắt đầu có khả năng phát triển và điều chỉnh được kho tên lửa của mình cùng với một số đồng minh khác. Đầu tiên phải kể đến Ai Cập. Bình Nhưỡng đã giúp đỡ nước này trong cuộc chiến với Israel vào tháng 10/1973. Họ đã phái phi công đến Ai Cập. Để đổi lại, Ai Cập đã chuyển giao cho họ một số lượng nhỏ tên lửa rocket và máy phóng của Liên Xô. Đây có thể là bước khởi đầu cho một chương trình tên lửa đạn đạo.

 

Từ tận năm 1965 với Cuộc chiến Triều Tiên, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã thành lập Học viện quân sự Hamhung để nghiên cứu công nghệ tên lửa. Trong bài phát biểu trước học viện, Chủ tịch Kim Nhật Thành đã nói: “Nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ và Nhật sẽ phải tham gia vào. Để ngăn ngặn họ, chúng ta phải sản xuất được tên lửa có khả năng vươn tới Nhật. Vì vậy, nhiệm vụ của Học viên quân sự là phải phát triển được tên lửa tầm xa.”

 

Đầu những năm 1980, Ai Cập còn cung cấp cho CHDCND Triều Tiên một số tên lửa Scud B của Liên Xô, có thể mang được đầu đạn nặng tới 200kg, và có tầm bắn 290km hoặc hơn.

 

Tuy những tên lửa này chưa bao giờ được đem ra bắn thử, nhưng chúng lại là mô hình mẫu cho các nhà máy phát triển tên lửa được xây dựng gần biên giới Trung Quốc ở phía bắc của Bình Nhưỡng sau này. Mô hình tên lửa tự chế tạo đầu tiên của Bình Nhưỡng được hoàn thành năm 1984, có tên gọi Hwasong 5.

 

Qua chương trình Hwasong, CHDCND Triều Tiên đã hợp tác chặt chẽ với Ai Cập. Và một phần của mối hợp tác này là người Bình Nhưỡng sẽ sản xuất tên lửa Scud ở Ai Cập. Cũng chính lúc này Bình Nhưỡng nhận ra rằng họ có thể kiếm được bộn tiền từ phát minh mới của mình. Bước đầu, có Iran tỏ ý muốn mua tên lửa của họ để dùng cho cuộc chiến với Iraq. Năm 1987, Iran và CHDCND Triều Tiên hoàn tất hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 500 triệu USD, trong đó có khoảng 100 tên lửa Hwasong 5. Khi tên lửa Hwasong 5 về đến Iran nó được đặt một cái tên mới: Shehab 1.

 

Mặc dù Trung Quốc đã đào tạo kỹ thuật cho các kỹ sư CHDCND Triều Tiên và cung cấp cho họ các thiết bị máy móc chất lượng cao, nhưng không có dấu hiệu cho thấy Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác tham gia vào chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng ở giai đoạn này.

 

Tháng 3/1993, CHDCND Triều Tiên bắn thử một quả tên lửa mới, có tên gọi Rodong, có thể mang theo một đầu đạn nặng 1.200kg và với tầm bắn 1.300km, hoặc một đầu đạn nặng 1.000kg với tầm bắn 1.500km, đủ để vươn tới những thành phố lớn và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật. Một đoàn ngoại giao của Iran đã được mời tham gia quan sát vụ thử, rồi sau đó họ mang về nước 150 tên lửa loại này, và đặt tên lại là Shehab 3. Hiện Iran đã trở thành một đối tác lớn về tên lửa và có thể là đối tác hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

 

Bình Nhưỡng cũng tìm được một số khách hàng mới ở Trung Đông. Không chỉ có Syria, Libiya mà còn có cả nước có quan điểm tương đối bảo thủ như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất UAE. Năm 1989, UAE đã mua 25 tên lửa Hwasong 5, pháo và các máy phóng rocket.

 

Bên ngoài Trung Đông, Pakistan nổi lên là một đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Đầu những năm 1970, khi căng thẳng với Ấn Độ leo thang, Pakistan “đến” với Bình Nhưỡng bằng hợp đồng mua các vũ khí thông thường. Ngày 18/9/1971, “chuyến hàng” đầu tiên của CHDCND Triều Tiên đến Karachi. Năm sau, CHDCND Triều Tiên và Pakistan thiết lập mối quan hệ ngoại giao, và Bình Nhưỡng bán cho Pakistan, pháo, các máy phóng tên lửa, đạn dược. Hợp tác giữa Pakistan và CHDCND Triều Tiên chỉ chấm dứt vào cuối năm 2001, khi Pakistan trở thành đồng minh của Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

 

Ngoài đem lại một nguồn thu lớn, chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng còn mang lại một mục đích cũng không kém phần quan trọng khác. Bình Nhưỡng đã liên tục đòi Nhật phải đền bù cho thời gian đô hộ Triều Tiên tàn bạo của họ từ năm 1910 đến 1945. Sở dĩ Bình Nhưỡng có thể lớn tiếng như vậy là bởi Nhật vô cùng e ngại trước khả năng hạt nhân cũng như tên lửa của Bình Nhưỡng. Năm 1999, Hwang Won-tak, cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung lúc bấy giờ, cho rằng Bình Nhưỡng có thể “đòi” Nhật lương thực và tiền mặt để đổi lại, họ không bắn thử tên lửa.

 

Năm 1998, một thế hệ tên lửa mới của Bình Nhưỡng ra đời, đó chính là tên lửa ba tầng Taepodong 1. Ngày 31/8 từ khu thử Musudan-ni ở bờ biển Bắc Hamgyong Bình Nhưỡng đã bắn thử nó bay qua Nhật. Tokyo gần như hoá điên, và xem đó là một hành động khiêu khích không thể chấp nhận được. Nhưng Bình Nhưỡng biện minh rằng mục đích của họ chỉ là thay thế vệ tinh đầu tiên Kwangmyongsong 1.

 

Nhưng dù là gì đi chăng nữa, tên lửa Taepodong 1 đã bay 1090 km và rơi xuống Thái Bình Dương, gần với hòn đảo Honshu của Nhật.

 

Kể từ đó đến nay, tên lửa Taepodong 2 với tầm bắn 6.700km đã được phát triển, đặt các căn cứ của Mỹ ở Okinawa, Guam, Alaska và Hawaii trong tầm ngắm. Và hiện người Triều Tiên đang nghiên cứu thế hệ tên lửa Taepodong thứ ba, có khả năng mang được đầu đạn nặng từ 500 đến 100kg, với tầm bắn từ 10.000 – 12.000km, có thể vươn tới bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ nước Mỹ.

 

Nguyên Hạ

Theo The Age

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm