1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

CHDCND Triều Tiên nhắm đến đâu khi thử tên lửa?

Đó là Hawaii - thông tin này do một tờ báo Nhật Bản đưa ra và được cho là một minh chứng về chủ ý của CHDCND Triều Tiên.

Một quan chức ngoại giao của CHDCND Triều Tiên nói rằng vụ phóng tên lửa trong tuần này là quyền lợi hợp pháp của Bình Nhưỡng và nước này "không có ý định tấn công bất kỳ ai". Trong khi đó, nhật báo Sankei Shimbun (Nhật) nói rằng, sau khi phân tích các dữ liệu từ hệ thống radar Aegis và máy bay do thám RC-135S, giới chức Mỹ, Nhật cho rằng tên lửa Taepodong-2 đã được nhắm đến vùng lãnh hải gần Hawaii (Mỹ).

 

Trước đó, hôm 6/7, một ngày sau khi Taepodong-2 được phóng đi, các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng khó mà biết được chính xác đích đến của nó vì rất khó thu thập được các thông số kỹ thuật của tên lửa này. Theo tờ báo trên, phát hiện mà giới chức Mỹ, Nhật vừa đưa ra cho thấy vụ phóng Taepodong-2 là có chủ đích và đây là cách Bình Nhưỡng tỏ thái độ phản đối trước việc Mỹ muốn cấm vận kinh tế nước họ.

 

Taepodong-2 nằm trong số 7 tên lửa mà Bình Nhưỡng cho phóng thử nghiệm vào ngày 5/7 vừa rồi. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa tầm xa đã thất bại, nó rơi xuống vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản cùng với 6 tên lửa tầm ngắn và tầm trung khác, chỉ cách điểm phóng vài trăm mét. Taepodong-2, một trong những tên lửa tân tiến nhất của CHDCND Triều Tiên, về lý thuyết có thể phóng xa 15.000 km, tức có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ nếu nó có trọng tải thích hợp.

 

Ngày 7/7, C.Hill - trưởng đoàn đàm phán của Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên, đã tới Trung Quốc để bàn thảo về phản ứng của quốc tế trước việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã kết thúc mà không đạt được một giải pháp mang tính đột phá nào. Cùng ngày, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Tokyo phải rút lại ngay lập tức các biện pháp trừng phạt được áp dụng sau vụ bắn thử tên lửa và dọa sẽ có "những hành động mạnh mẽ hơn" đối với Nhật Bản nếu Tokyo không làm theo. Trong khi đó, Nhật Bản đã quyết định đẩy nhanh tiến trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của mình thay vì theo đúng kế hoạch đưa hệ thống này vào hoạt động từ năm 2011.

 

Trong khi đó, Hàn Quốc đã bác bỏ yêu cầu của CHDCND Triều Tiên về việc đàm phán quân sự và gọi quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, sau đó Seoul tuyên bố các cuộc gặp cấp bộ trưởng giữa hai nước vốn được lên kế hoạch vào tuần tới vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, bất chấp những căng thẳng sau vụ thử tên lửa vừa qua.

 

Theo Uyên Phi

Thanh niên/BBC, Reuters