1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nhà vua tương lai của Đan Mạch là ai?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Từ thiếu niên "nổi loạn" trở thành người đàn ông của gia đình, Thái tử Frederik - vị vua tương lai của Đan Mạch - là hiện thân của chế độ quân chủ cởi mở và tự do của đất nước này, theo AFP.

"Khi thời khắc đó tới, tôi sẽ chèo lái con tàu", Thái tử Frederik nói trong bài phát biểu kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ hoàng Margrethe II vào năm 2022.

Thời khắc ấy đã đến vào ngày 1/1, khi Nữ hoàng Đan Mạch bất ngờ tuyên bố thoái vị vào giữa tháng này và nhường ngôi cho con trai.

Nhà vua tương lai của Đan Mạch là ai? - 1

Thái tử Frederik (trái) và Hoàng hậu Đan Mạch Margrethe II. Nữ hoàng cho biết mình sẽ thoái vị vào ngày 14/1 tới sau 52 năm trị vì (Ảnh: AFP).

Tuổi niên thiếu "nổi loạn"

Hình ảnh người đàn ông chừng mực hiện nay của Thái tử Frederik khác xa với bản thân ông lúc trẻ, theo AFP.

"Nói đúng ra thì ông ấy không phải là kẻ nổi loạn, nhưng trong suốt thời niên thiếu tới tuổi thanh niên, ông ấy tỏ ra rất khó chịu với sự chú ý của truyền thông, cũng như với ý nghĩ mình sẽ trở thành vua", Gitte Redder, chuyên gia về hoàng gia Đan Mạch, cho biết.

Ông ấy chỉ "có được sự tự tin khi ở độ tuổi ngoài 20", bà Redder nói.

Ôm nỗi cô đơn tuổi thiếu niên, Thái tử Frederik từng oán giận cha mẹ vì bỏ bê mình trong lúc họ thực hiện bổn phận hoàng gia.

Ông tìm kiếm sự khuây khỏa qua những chiếc ô tô tốc độ cao và cuộc sống phóng túng. Cũng vì thế mà ông từng bị coi là hoàng tử tiệc tùng hư hỏng vào đầu những năm 1990.

Thái độ ấy bắt đầu thay đổi sau khi Thái tử Frederik tốt nghiệp Đại học Aarhus năm 1995, trở thành thành viên hoàng gia Đan Mạch đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Ông cũng có thời gian theo học tại Harvard của Mỹ.

Nhưng Frederik - người nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức - chỉ thực sự bắt đầu trưởng thành sau thời gian huấn luyện qua 3 quân chủng của Đan Mạch.

Vị hoàng tử từng phục vụ trong Quân đoàn Ếch của Hải quân Đan Mạch - nơi ông có biệt danh là "Pingo" ("Chim cánh cụt") - và là một trong chỉ 4 người của nhóm 300 tân binh vượt qua mọi bài kiểm tra trong năm 1995.

Nhà vua tương lai của Đan Mạch là ai? - 2

Gia đình Thái tử Đan Mạch Frederik (Ảnh: Reuters).

Sự bổ sung cho nữ hoàng

Năm 2000, Thái tử Frederik tham gia chuyến thám hiểm trượt tuyết kéo dài 4 tháng, dài 3.500km xuyên qua Greenland.

Tính cách mạo hiểm từng khiến vị hoàng tử phải nhập viện sau một số vụ tai nạn trượt tuyết và mô tô 2 bánh, nhưng các sự kiện này cũng giúp ông xây dựng hình tượng dễ mến với người dân.

"Ông ấy là người thích thể thao, ông ấy tham dự các buổi hòa nhạc và các trận đấu bóng. Điều đó khiến ông thậm chí còn dễ gần hơn mẹ mình", chuyên gia hoàng gia Redder cho biết.

"Tôi không muốn nhốt mình trong pháo đài. Tôi muốn là chính mình, một con người", Thái tử Frederik từng nói và nhấn mạnh rằng ông sẽ vẫn như vậy ngay cả sau khi lên ngôi.

Ông gặp vợ mình là bà Mary Donaldson, công dân Australia hành nghề luật sư, tại một quán bar ở Sydney trong Thế vận hội Olympic 2000. Họ đã cố để 4 người con của mình được trưởng thành theo cách bình thường nhất có thể và chủ yếu cho con theo học trường công lập.

Người con cả, Hoàng tử Christian, vừa tròn 18 tuổi và là thành viên hoàng gia Đan Mạch đầu tiên đi nhà trẻ.

Nhà sử học Sebastian Olden-Jorgensen cho biết, vợ chồng Thái tử Frederik đã dần đảm nhận nhiều công việc hoàng gia trong những năm gần đây, khi Nữ hoàng bước vào tuổi tám mươi. Dù vậy, quá trình này "rất chậm và tùy thuộc vào sức khỏe của nữ hoàng".

Cặp đôi này là những người "hiện đại, yêu thích nhạc pop, nghệ thuật hiện đại và thể thao", theo ông Olden-Jorgensen.

Họ "không đại diện cho những đổi thay lớn so với nữ hoàng", mà là sự dịch chuyển cẩn thận để thích ứng với thời đại, theo chuyên gia Olden-Jorgensen.

Thái tử Frederik từng nói rằng ông tự thấy mình là sự bổ sung cho mẹ - một nhà thông thái, nhà văn và nghệ sĩ thành đạt.

"Mẹ vẽ, còn con tập thể dục. Mẹ đào xới tìm đồ vật được vùi giấu từ xưa, còn con vùi đầu để tránh bị người khác nhận ra trong thời gian tại ngũ. Mẹ là bậc thầy về ngôn từ. Còn con đôi khi cảm thấy không thể hiểu nổi chúng", ông nói đùa trong lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của nữ hoàng.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm