1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chân dung Nhà vua và Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch

Thanh Thành

(Dân trí) - Người dân Đan Mạch sẽ chào đón vị Vua và Hoàng hậu mới sau ngày 14/1 tới, thời điểm Nữ hoàng Margrethe II, vị nữ vương trị vì duy nhất ở châu Âu hiện nay, chính thức thoái vị.

Chân dung Nhà vua và Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch - 1

Thái tử Frederik và vợ, Công nương Mary (Ảnh: Getty).

Giống hầu hết người dân Anh, nhiều người Đan Mạch gần như chỉ biết đến một nữ hoàng trong suốt cuộc đời của họ: một người cực kỳ danh tiếng, nổi tiếng với tinh thần trách nhiệm, đúng mực và luôn tận tâm với nhiệm vụ của mình: Nữ hoàng Margrethe II.

Vì vậy, sự chú ý của người dân Đan Mạch và khắp thế giới đang đổ dồn vào Hoàng gia khi Nữ hoàng Margrethe II bất ngờ tuyên bố thoái vị sau 52 năm trị vì và nhường ngôi cho con trai, Thái tử Frederik, 55 tuổi. 

"Tôi sẽ trao lại ngai vàng cho con trai tôi, Thái tử Frederik", Nữ hoàng Margrethe II tuyên bố trực tiếp trên truyền hình vào thời khắc đón năm mới, tròn 52 năm kể từ ngày bà lên nắm vương vị.

Đây là động thái hiếm có ở Đan Mạch, nơi không có quân vương nào thoái vị kể từ năm 1146, khi Vua Eric III từ bỏ ngai vàng để đi tu.

Vậy là chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa, Hoàng gia Đan Mạch sẽ đón "chủ nhân" mới. Cho đến nay, chúng ta biết gì về vị Thái tử sắp trở thành Nhà vua Đan Mạch và cả vợ ông, vị Hoàng hậu tương lai Mary?

Sẽ là một vị vua hiện đại, nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Vào những năm 1990, Thái tử Frederik được biết đến là "một hoàng tử tiệc tùng" nhưng nhận thức bắt đầu thay đổi sau khi ông tốt nghiệp Đại học Aarhus vào năm 1995 với bằng thạc sĩ khoa học chính trị, trở thành thành viên hoàng gia Đan Mạch đầu tiên hoàn thành chương trình giáo dục đại học. 

Chân dung Nhà vua và Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch - 2

Thái tử Frederik và mẹ, Nữ hoàng Margrethe II (Ảnh: Getty).

Nhưng theo các chuyên gia về Hoàng gia Đan Mạch, Thái tử Frederik, người nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức, chỉ thực sự bắt đầu trưởng thành sau thời gian huấn luyện qua 3 quân chủng. Ông từng được biên chế vào đơn vị thợ lặn của hải quân Đan Mạch với mật danh Pingo (Chim cánh cụt). Trong số 300 tân binh của đơn vị vào năm 1995, chỉ có ông và 3 người khác hoàn thành mọi bài kiểm tra năng lực.

Từ một thanh niên bốc đồng, thái tử Frederik trở thành người đàn ông của gia đình, biểu tượng cho nền quân chủ hiện đại và sẽ trở thành tân vương Đan Mạch từ ngày 14/1. Trong lễ kỷ niệm 50 năm cầm quyền của Nữ hoàng Margrethe II vào năm 2022, Thái tử Frederik đã thề nguyện sẽ trở thành người xứng đáng tiếp bước Nữ hoàng lãnh đạo hoàng gia Đan Mạch, nền quân chủ được ước tính đã tồn tại hơn 1.000 năm và là một trong những hoàng gia lâu đời nhất thế giới.

"Con sẵn sàng lèo lái con thuyền này khi thời điểm phù hợp. Con sẽ tiếp bước người, như người đã tiếp bước ông ngoại", Thái tử Frederik nói.  Trên thực tế, vị thái tử 55 tuổi này đã âm thầm khẳng định bản lĩnh và uy tín của mình với người dân Đan Mạch trong những năm qua để sẵn sàng cho thời điểm này.

Giờ đây, giống như Vua Charles III của Anh, lên kế vị sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Thái tử Frederik là một phần của thế hệ Hoàng gia trẻ, vốn rất nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông và có tư tưởng ủng hộ các quan điểm đương đại, chủ yếu là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

Trong khi Nữ hoàng Margrethe II từng khiến các nhà khoa học khó chịu khi nói rằng bà không tin rằng biến đổi khí hậu là do con người trực tiếp gây ra, con trai bà lại nổi tiếng là người luôn quan tâm đến các vấn đề môi trường.

Thái tử Frederik từng mô tả chuyến đi đến Bắc Cực đã thay đổi vĩnh viễn quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu, thuyết phục ông phải lên tiếng. Ông đã tham dự các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc và đã có loạt bài phát biểu cũng như phỏng vấn về các vấn đề môi trường, nhấn mạnh tính cấp thiết phải hành động và gây áp lực buộc các nhà đầu tư sử dụng vốn của họ theo những cách giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, những tháng năm niên thiếu bốc đồng lẫn những ngày tháng trưởng thành trong quân ngũ khiến ông khát khao được sống đúng với chính mình và có những trải nghiệm bình thường như mọi người. Vì vậy, không chỉ mến mộ sự gần gũi và cá tính của Thái tử Frederik, người dân Đan Mạch còn có thiện cảm với sự hiện đại và bình dân của.

"Thái tử Frederik vẫn thể hiện rõ quyết tâm điều chỉnh nền quân chủ Đan Mạch phù hợp hơn với thời đại", sử gia Đan Mạch Sebastian Olden-Jorgensen nhận định.

Câu chuyện cổ tích của Hoàng hậu tương lai luôn vì người nghèo

Câu chuyện cổ tích về sự thăng tiến của một giám đốc kinh doanh người Australia lên hàng ngũ cấp cao của một hoàng gia châu Âu sẽ được hoàn thành vào cuối tháng này khi Thái tử Frederik sẽ đăng quang Vua Đan Mạch, còn vợ ông, Công nương Mary sẽ trở thành Hoàng hậu.

Chân dung Nhà vua và Hoàng hậu tương lai của Đan Mạch - 3

Thái tử Frederik và Công nươngMary tham dự lễ đăng quang của Vua Anh, Charles III hồi tháng 5/2023 (Ảnh: Getty).

Theo đó, Công nương Mary sẽ trở thành người gốc Australia đầu tiên làm Hoàng hậu Đan Mạch, một diễn biến khiến những người ủng hộ bà ở quê nhà rất vui mừng. Đối với nhiều người Australia ngưỡng mộ Công nương Mary, đây là một kết thúc có hậu cho một mối tình nổi tiếng lãng mạn.

Trong một tuyên bố ngay ngày đầu năm mới 2024, Thống đốc bang Tasmania Jeremy Rockliff nhấn mạnh, "không thể tự hào hơn về Công nương Mary". "Bà là người khiêm tốn, duyên dáng và tử tế. Tôi chắc chắn Công nương Mary sẽ được mọi người ủng hộ khi trở thành Hoàng hậu. Tôi mong muốn được chứng kiến thế hệ tiếp theo và Hoàng hậu được sinh ra ở Tasmania, dẫn dắt tương lai của Đan Mạch".

Công nương Mary sinh năm 1972, là con út trong gia đình 4 anh chị em có cha là giáo sư toán học người Scotland và mẹ là trợ lý điều hành ở đại học Tasmania. Theo tiểu sử chính thức, Công nương Mary bắt đầu học ở Houston, Texas, Mỹ trước khi chuyển về Hobart để theo học phổ thông và đại học.

Bà từng làm giám đốc quảng cáo, đã đi du lịch khắp châu Âu trước khi làm việc trong một công ty bất động sản ở Sydney. Ở thành phố này, bà đã bắt đầu mối tình với Frederik, hoàng tử trẻ người Đan Mạch, trong quán bar Slip Inn khi Thế vận hội Olympic 2000 diễn ra.

"Giữa chúng tôi như có thứ gì đó bừng sáng, không phải như pháo hoa nhưng cảm xúc đã nhanh chóng bùng lên", bà nhớ lại và thừa nhận lúc đó không biết ông là Thái tử Đan Mạch. Họ bí mật yêu xa và chuyện tình của họ chỉ bị tiết lộ khi báo chí đưa tin vào tháng 11/2001. Họ tổ chức hôn lễ ở Nhà thờ Copenhagen, được truyền hình trực tiếp khắp thế giới năm 2004. Cặp đôi có 4 người con và luôn nỗ lực để các con được trưởng thành theo cách bình thường nhất có thể và chủ yếu cho con theo học trường công lập. 

Bên cạnh việc được khen ngợi về phong thái đĩnh đạc và phong cách thời trang, Công nương Mary còn nổi tiếng với những hoạt động xã hội thiện nguyện thông qua Quỹ Mary, được thành lập vào năm 2007.

"Bà ấy là người ủng hộ quyết liệt cho những quyền về giới tính của phụ nữ và trẻ em gái. Bà luôn ủng hộ người tị nạn và vì vậy đã chứng minh giá trị của mình với tư cách là hình mẫu lãnh đạo ở Đan Mạch. Tôi cho rằng người Australia sẽ tự hào về kiểu mẫu hoàng gia mà bà xây dựng", Juliet Rieden, tổng biên tập Tuần báo Phụ nữ Australia, nhận xét.

Theo các nguồn tin, lễ đăng quang của Vua Đan Mạch sẽ không có hoành tráng và quy mô lớn như lễ đăng quang của Vua Charles III của Anh vào tháng 5/2023. Thông tin chi tiết về lễ đăng quang cũng chưa được xác nhận nhưng Hoàng gia Đan Mạch cho hay Nữ hoàng Margrethe sẽ thoái vị tại Hội đồng Nhà nước, cơ quan cố vấn cho chế độ quân chủ.

Vào ngày 14/1, có thể tân Vương và tân Hoàng hậu Đan Mạch sẽ xuất hiện trên ban công Cung điện Christiansborg cùng Thủ tướng Đan Mạch, vẫy tay chào người dân từ Amalienborg, nơi ở của Hoàng gia Đan Mạch ở Copenhagen, bà Rieden cho biết.

"Tôi cho rằng chúng ta sẽ nhìn thấy Vua và Hoàng hậu mới trên ban công cùng gia đình. Hình ảnh này sẽ đại diện cho chế độ quân chủ mới, hiện đại ở Đan Mạch. Và tôi nghĩ đó sẽ là một hình ảnh rất mạnh mẽ", bà nói thêm.

Theo CNN, New York Times, Aljazeera