1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà Trắng lên tiếng sau tín hiệu "thú vị" từ ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Nhà Trắng cho rằng, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố chuẩn cho cả "đối thoại và đối đầu" với Mỹ là một tín hiệu "thú vị".

Nhà Trắng lên tiếng sau tín hiệu thú vị từ ông Kim Jong-un - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters).

Trong một bình luận trực tiếp đầu tiên về chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuần trước nói rằng, Bình Nhưỡng cần chuẩn bị cho cả "đối thoại và đối đầu với Mỹ".

"Chúng tôi coi bình luận của ông ấy là một tín hiệu thú vị và chúng tôi sẽ chờ xem liệu họ có thêm bất kỳ hình thức liên lạc trực tiếp nào với chúng tôi về con đường tiềm tàng phía trước không. Tín hiệu rõ ràng mà họ có thể phát đi là nói: Được, chúng ta hãy hành động. Chúng ta hãy ngồi xuống và bắt đầu đàm phán", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan trả lời phỏng vấn ABC News ngày 20/6. Ông Sullivan cho biết, Washington sẽ chờ thêm những liên lạc trực tiếp từ Bình Nhưỡng trước khi bắt đầu bất cứ cuộc đàm phán nào.

Bình luận của ông Kim Jong-un đưa ra chỉ hai ngày trước khi đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên mới được bổ nhiệm, ông Sung Kim, đến Hàn Quốc trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi nhậm chức tháng trước. Ông sẽ hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản, gặp gỡ giới chức Hàn Quốc trong chuyến thăm kéo dài đến ngày 23/6 này.

Tháng trước, Triều Tiên đã chỉ trích Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, cho rằng những bình luận của Washington về chính sách Triều Tiên là bằng chứng của phương thức tiếp cận thù địch, đòi hỏi sự đáp trả của Bình Nhưỡng.

Quan hệ Mỹ - Triều có dấu hiệu tích cực dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhà lãnh đạo hai bên đã có các cuộc họp thượng đỉnh để bàn về việc dỡ bỏ trừng phạt và giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển.

Tuyên bố mới nhất của ông Kim Jong-un được coi là phản ứng trực tiếp đầu tiên của Bình Nhưỡng về chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden với Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng, tuyên bố này cho thấy nhiều khả năng ông sẽ tăng cường sức mạnh cho kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và gia tăng sức ép với Washington từ bỏ điều mà Bình Nhưỡng coi là chính sách thù địch của Mỹ đối với Triều Tiên, nhưng mặt khác ông cũng để ngỏ nối lại các cuộc đàm phán.

Ông Biden nhiều lần tuyên bố không loại trừ khả năng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng với điều kiện Triều Tiên phải đưa ra những cam kết rõ ràng liên quan đến chương trình hạt nhân.

Cheong Seong-Chang, chuyên gia phân tích tại Viện Sejong (Hàn Quốc), nhận định nhiều khả năng Triều Tiên sẽ quay lại bàn đàm phán nhưng sẽ không chấp nhận yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức. Chuyên gia này cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ chấp nhận đề xuất đóng băng chương trình nguyên tử, cắt giảm kho vũ khí hạt nhân theo lộ trình nếu chính quyền Tổng thống Biden nới lỏng các lệnh trừng phạt và chấm dứt các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

"Triều Tiên có thể trở lại đàm phán sau khi đã chứng tỏ được sức mạnh bằng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các vụ thử vũ khí", Leif-Eric Easley, Phó Giáo sư chuyên nghiên cứu về quốc tế của trường Đại học Ewha ở Seoul, bình luận.