1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà tình báo Liên Xô từng khai thác các bí mật nguyên tử của Mỹ (kỳ 2)

Nguyễn Quang

(Dân trí) - Trong thời gian hoạt động bí mật tại Mỹ, Yan Chernyak đã có được danh sách các trung tâm nghiên cứu khoa học bí mật ở Bắc Mỹ, nơi đang tiến hành hoạt động chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nhà tình báo Liên Xô từng khai thác các bí mật nguyên tử của Mỹ (kỳ 2) - 1

Điệp viên Yan Chernyak (Ảnh: TASS).

Gài người trong "đại bản doanh" của Hitler

Yan Chernyak sinh tại thành phố Chernovitsy, phía Bắc Bukovina - khi đó thuộc quyền cai trị của Đế chế Áo - Hung. Sau này, ông được tình báo Liên Xô tuyển mộ và có nhiều năm hoạt động tình báo tại châu Âu và Mỹ.

Vào đầu Thế chiến II, đã có 35 người nằm trong số những người cung cấp thông tin cho điệp viên Liên Xô Yan Chernyak, trong đó có 20 người được ông đích thân tuyển dụng. Chernyak đã thành công trong những việc tưởng chừng như không thể - ông đã thuyết phục được một sĩ quan làm việc tại tổng hành dinh của trùm phát xít Hitler hợp tác với ông.

Nhờ các đặc vụ của mình, vào đầu tháng 6/1941, Chernyak đã có trong tay bản sao của kế hoạch Barbarossa nổi tiếng - mục tiêu, ngày tháng và các tài liệu tuyệt mật của phát xít Đức cho âm mưu tấn công Liên Xô, và ngay lập tức tài liệu được chuyển đến Bộ Tổng tham mưu. Trong khi đó, người dịch tài liệu cực kỳ quan trọng này là con gái của một điệp viên tình báo Liên Xô khác, Lev Manevich - lúc đó ông đang ở trong nhà tù ở Naples của Ý với tội danh gián điệp quân sự.

Một thời gian sau, các chi tiết về chiến dịch của phát xít "Citadel" (Thành trì) đã được gửi đi từ nhóm tình báo "Krona" 0 nhờ đó mà các nhà lãnh đạo quân đội Liên Xô biết được chiến thuật cuộc tấn công của phát xít Đức vào Vòng cung Kursk. Đồng thời, Chernyak cung cấp cho Matxcơva dữ liệu về thiết kế của xe tăng mới "Tiger" (Panzerkampfwagen VI Ausf) và "Panther" (Panzerkampfwagen V), mà Đức Quốc xã dự định sử dụng trong cuộc tấn công vòng cung Kursk.

Năm 1942, theo chỉ dẫn của tình báo Liên Xô, Chernyak gặp nhà vật lý Allan May, một nhân viên có giá trị làm việc tại Phòng thí nghiệm Cavendish thuộc Đại học Cambridge, Anh. May là người tham gia dự án phát triển bom nguyên tử, đã đồng ý hợp tác với tình báo Liên Xô "vì sự an toàn của nhân loại." Nhà khoa học đã trao 130 trang tài liệu quan trọng nhất cho Chernyak trong đó chứa đựng thông tin về các kế hoạch và hoạt động của lò phản ứng uranium, công nghệ sản xuất plutonium và các thiết bị tách đồng vị uranium.

Sự hợp tác hiệu quả kéo dài cho đến đầu năm 1943, tới khi May được cử đến Montreal, Canada. Nhưng ngay cả khi không có dự án nguyên tử thì Chernyak cũng đã có nhiều việc liên quan đến Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

"Tôi đã gặp may mắn"

Khối lượng thông tin mà cán bộ tình báo thu thập được là rất lớn: ví dụ, năm 1944, khoảng 12 nghìn trang tài liệu về kỹ thuật - có khi dữ liệu được truyền một lúc cả nghìn trang trong một lần - đã được gửi về cho tình báo Liên Xô. Chernyak đã tìm cách thu thập đủ loại tài liệu - từ những phát minh mới trong việc chế tạo máy bay và vũ khí pháo binh cho đến các chi tiết của hệ thống chống tàu ngầm và phòng không của Đức quốc xã, cũng như việc chế tạo tên lửa hành trình V-1, V-2 và máy bay chiến đấu phản lực. Thông qua các điệp viên, Chernyak biết được rằng Hitler đã quyết định chuyển trọng tâm từ vũ khí hạt nhân sang chế tạo tên lửa.

Các sơ đồ và mẫu bí mật được chuyển về trung tâm tình báo thông qua đại sứ quán Liên Xô tại Bulgaria bằng cách sử dụng một hệ thống chuyển phát bí mật được thiết kế đặc biệt. Cũng có trường hợp các liên lạc viên dưới vỏ bọc khách du lịch đã vận chuyển hàng hóa bí mật dưới dạng bánh ga-tô sinh nhật - và các nhân viên hải quan đã không nghĩ đến việc kiểm tra món bánh tráng miệng.

Kết quả là, nhóm "Krona" đã tồn tại trong khoảng mười năm. Trong suốt thời gian này, không một điệp viên nào của Chernyak rơi vào tầm ngắm của phản gián đối phương và nhóm đã giúp Liên Xô tiết kiệm hàng chục triệu USD để phát triển mạng lưới. Bản thân Chernyak cũng nhìn thấy đứa con tinh thần của mình là một hiện tượng kỳ lạ không chỉ ở tính chuyên nghiệp đặc biệt của các thành viên trong nhóm.

"Trong số những thứ khác, người làm tình báo cần phải có sự may mắn. Tôi đã gặp may mắn", Yan Chernyak từng nói.

Năm 1945, Chernyak chờ đợi một chuyến đi mới - lần này là đến Mỹ, nơi ông sẽ thay thế sĩ quan tình báo đã được giải mật Nikolai Zabotin. Công việc chuẩn bị phải được tiến hành cực kỳ cẩn thận, bởi vì vụ bê bối đối với người tiền nhiệm đã gây ra rất nhiều ồn ào, và Liên Xô đã cố gắng che giấu được sự ồn ào đó bằng cách đổ mọi lỗi cho sáng kiến của chính Zabotin.

Những hy vọng lớn lao đã được đặt trên vai Chernyak - lúc này biệt danh "người không bóng" đã được gắn cho nhà tình báo bởi ông không bao giờ để lại dấu vết ở bất cứ đâu. 

Điều đầu tiên mà Chernyaklàm là thiết lập lại liên lạc với May, khi đó làm việc trong phòng thí nghiệm của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Canada, một chi nhánh của dự án nguyên tử Mỹ "Manhattan". Nhà vật lý, trước khi rời Anh, đã hứa với Chernyak rằng khi có dịp sẽ nối lại hợp tác và ông đã giữ lời - May đã giao mẫu uranium-235 cho tình báo Liên Xô.

Một miếng giấy bạc gọi hóa chất được gửi về trung tâm tình báo, được đóng gói trong một hộp kẹo. Chernyak cũng đã có được bản sao báo cáo của một trong những "cha đẻ của bom nguyên tử" - nhà vật lý người Ý Enrico Fermi - và danh sách các trung tâm nghiên cứu khoa học bí mật ở Bắc Mỹ, nơi đang tiến hành công việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

"Còn may không phải là truy tặng"

Tuy nhiên, Chernyak đã không thể thực hiện đầy đủ nhiệm vụ ở Mỹ - sự phản bội của người đứng đầu bộ phận mật mã hóa của Đại sứ quán Liên Xô tại Canada, Igor Guzenko, đã ngăn cản điều đó. Vào đầu tháng 9/1945, Guzenko đã giao cho phía Canada khoảng một trăm tài liệu mật, nhờ đó đối phương đã giải mật được các hoạt động của khoảng 36 điệp viên của Liên Xô, trong số đó có May: nhà khoa học bị bắt và sau đó phải nhận án 10 năm tù.

Sau khi biết về việc giam giữ người cung cấp thông tin "hạt nhân", trung tâm tình báo đã vội vàng triệu hồi Chernyak về nước. Ông đã phải cải trang, mặc quần áo thủy thủ và được giấu vào chỗ kín đáo trên một tàu chiến, ông lên đường trở về Liên Xô và nhanh chóng đến được Sevastopol.

"Một đại diện của trung tâm đã gặp tôi, và chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều. Khi đó ông ấy nói: "Tại Tổng cục tình báo của ta, họ nói rằng nếu cần tuyển dụng nhà vua nước Anh, cứ cho Jen (Chernyak) gặp ông ta, và anh ấy sẽ làm được điều đó", Yan Chernyak nhớ lại.

Tuy nhiên, về đến Matxcơva, Chernyak nhận thấy mình rơi vào trung tâm của một vụ bê bối - một nhóm đặc biệt được thành lập, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Liên bang Xô Viết Lavrenty Beria và người đứng đầu SMERSH, Viktor Abakumov, đang điều tra lý do thất bại ở Bắc Mỹ. Khi đó, Zabotin bị buộc tội, bị xét xử và gửi đến Gulag (khu trại giam). Chernyak thoát khỏi số phận tương tự, nhưng với ông câu chuyện này cũng để lại hậu quả. Đã có lúc, Chernyak đánh giá tốt về hoạt động của Zabotin và không đồng ý với những cáo buộc chống lại ông này, vì vậy lãnh đạo Liên Xô không ủng hộ việc phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Chernyak.

"Anh ấy đã phục vụ Tổ quốc trong một thời gian dài và rất mực trung thành... Yan luôn là một người khiêm tốn và biết hy sinh", người vợ Tamara của nhà tình báo Chernyak từng viết.

Sau năm 1946, niềm đam mê đã lắng xuống một chút - sau khi nhập quốc tịch Liên Xô, Chernyak, với vai trò dân sự, đảm nhận vị trí chuyên viên tại GRU (Cơ quan tình báo quân đội Liên Xô) và làm phiên dịch tại hãng tin TASS. Nhà tình báo thích dành thời gian rảnh rỗi của mình để đánh cờ trong vườn Hermitage, nơi ông đã gặp người vợ tương lai của mình là Tamara. Cô gái rất ngạc nhiên về trí nhớ của ông: cho đến mấy ngày sau, ông vẫn có thể tái hiện tất cả các nước đi của ván cờ mà ông đã thực hiện trước đó.

Sau đám cưới, hai vợ chồng có với nhau một cậu con trai. Họ sống trong một căn hộ một phòng nhỏ trên phố Rusakovskaya ở Matxcơva. Theo một số báo cáo, Chernyak sau đó vẫn tiếp tục tham gia hoạt động tình báo ở châu Âu, nhưng các tài liệu về thời kỳ hoạt động này của ông vẫn chưa được giải mật. Trước khi viết tiểu thuyết "Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân" nói về cuộc đời (đã được hư cấu) của một điệp viên người Nga, nhà văn Yulian Semyonov đã gặp Chernyak. Tiểu thuyết này sau đó đã được chuyển thể thành seri phim cùng tên và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Nga.

Nhà tình báo Liên Xô từng khai thác các bí mật nguyên tử của Mỹ (kỳ 2) - 2

Mộ của nhà tình báo Yan Chernyak (Ảnh: Public Domain/Wikimedia).

Nhà tình báo nghỉ hưu năm 1969 với số tiền trợ cấp khá ít ỏi. Trong những năm 80, ông dạy một khóa học tình báo viên tại một trại huấn luyện ở GRU của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô. Trong những năm cuối đời, Chernyak bị ốm nặng, nhưng đã kịp nhận được phần thưởng xứng đáng - danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Chernyak đã bỏ lỡ buổi lễ trao danh hiệu anh hùng. Vào thời điểm đó, ông đang điều trị trong bệnh viện. Vợ ông đã nhận thay huân chương cho ông. Nhà tình báo đã tỉnh lại trong một thời gian ngắn và kịp nhìn thấy phần thưởng. "Còn may không phải là truy tặng", Chernyak nói nhỏ với vợ.

Mười ngày sau khi nhận huân chương, ngày 19/2/1995, trái tim của nhà tình báo 86 tuổi ngừng đập. Yan Chernyak được an táng theo nghi lễ quân đội tại nghĩa trang Preobrazhensky ở Matxcơva.