1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc mua quan hệ đánh bật Mỹ?

Thắng lợi cho Trung Quốc mang tính biểu tượng, còn sự thất bại của Mỹ là sự suy giảm quyền lực mềm.

“Mua quan hệ”

Tờ Straits Times của Singapore mới đây dẫn trả lời phỏng vấn của Yan Xuetong, một học giả nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) công khai rằng: " Với Trung Quốc, nhu cầu có quan hệ tốt còn cấp thiết hơn nhu cầu phát triển kinh tế. Chúng tôi để họ hưởng lợi về kinh tế và, đổi lại, chúng tôi nhận được quan hệ chính trị tốt đẹp. Chúng tôi phải 'mua' những quan hệ đó".

Vấn đề được đề cập ở đây chính là sáng kiến thành lập Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc. Sáng kiến ban đầu tưởng như không thể thực hiện do vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ giờ lại đang từng bước trở thành hiện thực. Đau đớn hơn với Mỹ, nhiều “đồng minh” của họ đã công khai tuyên bố tham gia AIIB cùng với Trung Quốc.
 
Trung Quốc mua quan hệ đánh bật Mỹ?
Lễ ký kết thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). (Ảnh: Guardian)
 
Cú đòn đầu tiên được tung ra vào ngày 12/03, khi Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố rằng nước này sẽ trở thành một thành viên sáng lập của AIIB. Bất chấp sự phản đối của Mỹ, các nước châu Âu khác như Đức, Pháp và Italy đã theo gương Anh tuyên bố rằng họ cũng đang tìm cách trở thành những thành viên sáng lập của AIIB.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Australia và Hàn Quốc (đã từ chối tham gia AIIB sau phản đối mạnh mẽ của Mỹ hồi năm ngoái) cũng đang tích cực xem xét lại lập trường của họ. Tháng 10/2014, chính phủ Australia đã đảo ngược quyết định ủng hộ AIIB sau sự can thiệp của phía Mỹ. Hiện có tin Australia sắp tuyên bố tham gia AIIB.

Trong các phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew tuyên bố rằng quan ngại chính của Washington đối với AIIB là liệu ngân hàng này có "tuân thủ các tiêu chuẩn cao mà các thể chế tài chính quốc tế đang phát triển", có bảo vệ các quyền của người lao động, môi trường và xử lý các vấn đề tham nhũng một cách thích hợp hay không?

Nhưng động cơ thực sự đằng sau sự phản đối của Mỹ là AIIB sẽ làm suy yếu sự thống trị kinh tế của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và làm xói mòn nỗ lực của Washington nhằm đảm bảo sự vượt trội về quân sự trong khuôn khổ chính sách "xoay trục sang châu Á".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew

Mỹ đã phản đối Australia tham gia AIIB với cái cớ rằng những dự án cơ sở hạ tầng sẽ được AIIB tài trợ, trong đó có các cảng biển, sân bay và các tuyến đường sắt, có thể đóng vai trò trong việc tăng cường vị thế chiến lược và quân sự của Trung Quốc.

Theo giới phân tích, các nước châu Âu lớn đã kết luận rằng họ không thấy có lý do gì để phải hy sinh những cơ hội kinh tế giá trị nhằm hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Mỹ khi Washington không có khả năng hoặc không muốn cung cấp cái gì để đổi lại.

Sự bất đồng giữa Mỹ và các cường quốc châu Âu đã được tóm tắt trong một phát biểu của ông Richard Ottaway, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, cho rằng xung đột về việc tham gia AIIB đang phản ánh thực tế rằng Anh và châu Âu đang nhìn nhận Trung Quốc khác với Mỹ. Ông Ottaway nói: "Mỹ đang xem mình như một cường quốc ven Thái Bình Dương, trong khi châu Âu đang xem xét Trung Quốc trong khía cạnh thương mại".

Mỹ đang suy yếu?

Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" đánh giá quyết định của những nước châu Âu lớn tham gia AIIB là một cú đòn mạnh giáng vào Mỹ - dấu hiệu cho thấy trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đình đốn, những cơ cấu kinh tế, mà thông qua đó Mỹ sử dụng quyền bá chủ, đang tan rã khi các đế quốc khác khẳng định những lợi ích độc lập của họ.

Còn theo nhật báo "Straits Times" số ra ngày 19/03, sự đối đầu tiếp diễn giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á đã có bước ngoặt đáng ngạc nhiên khi Anh quyết định tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập. Động thái này có thể tác động mạnh mẽ đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc không chỉ tìm cách lôi kéo các nước láng giềng, mà còn cả nhiều cường quốc phương Tây.

Ý nghĩa của cuộc xung đột trở nên rõ ràng khi nó được đặt trong khuôn khổ các mục tiêu chiến lược của Mỹ trong 25 năm qua. Washington đã coi sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là một cơ hội cho việc thực hiện nỗ lực nhằm chi phối toàn cầu dưới hình thức một "trật tự thế giới mới".

Chiến lược này đã trở thành cơ sở cho các chính sách của Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khi Mỹ đã phủ quyết đề xuất của Nhật Bản về việc lập ra "Quỹ 100 tỷ USD" để cứu trợ những nước châu Á bị rơi vào khủng hoảng với lý do rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở tại Washington đang chỉ đạo "sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế" khắp khu vực.
 
AIIB đánh trúng tâm lý khát vốn phát triển hạ tầng ở nhiều nước

AIIB đánh trúng tâm lý khát vốn phát triển hạ tầng ở nhiều nước

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á cần đầu tư ít nhất là 8.000 tỉ USD vào lĩnh vực hạ tầng. Ngân hàng Thế giới (WB) và các cơ quan liên quan do Mỹ chi phối không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu này. Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của mình, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á, và về cơ bản đã đón nhận sự hoan nghênh của các nước trong khu vực.

Trung Quốc đang lập kỷ lục về mặt thời gian, tạo nên những thành tích lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở trình độ thế giới, cho thấy họ đã có sự trưởng thành nhanh chóng trong lĩnh vực này, đồng thời đó cũng là nhu cầu mà châu Á đang cần.

Bảy thập kỷ trước, khi Mỹ lập ra những cơ sở của trật tự hậu Thế chiến II và thành lập cả IMF và WB. Mỹ là bá chủ kinh tế không thể chối cãi của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Nhưng giờ đây, các đế quốc châu Âu đang một lần nữa đánh giá lại các lợi ích của họ.

Mặc dù không thể đưa ra những dự báo cụ thể nhưng xu hướng phát triển chung là rõ ràng: Mỹ đang đối mặt với sự phản kháng của một số đồng minh thân cận nhất trong khi các cường quốc khác cũng buộc phải kết luận rằng trong khi theo đuổi các mục tiêu kinh tế, họ cần phải nâng cao khả năng quân sự.

Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tham gia AIIB, sẽ càng có ít lí do để quan ngại về mục đích thống trị của Trung Quốc đối với AIIB. Dù sẽ tiếp tục là nước chủ nhà và đóng góp hàng đầu trong AIIB, quyền bỏ phiếu của Trung Quốc sẽ dần bị giới hạn bởi sự tham gia của các nền kinh tế lớn và cường quốc khác trong khu vực.

Sẽ rất khó khăn cho Trung Quốc để đơn phương hình thành và hoạch định chính sách của AIIB khi các nền kinh tế phát triển như Anh, Đức, Pháp, Italy, Singapore và có thể cả Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ biến thể chế tài chính mới này thành một tổ chức thương mại và mang tính đa phương nhiều hơn, thay vì một cơ chế mang động cơ chính trị nhằm thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc.

Tờ Straits Times đánh giá, thắng lợi cuối cùng cho Trung Quốc chủ yếu mang tính biểu tượng. Còn sự thất bại của Mỹ trong việc thuyết phục các đồng minh lớn không tham gia AIIB báo hiệu sự suy giảm quyền lực mềm của Mỹ.

Theo An Ninh
Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm