1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ xung đột vì tranh nguồn cá ở biển Đông

Lầu Năm Góc hôm 7-4 bác thông tin Nhà Trắng cấm các tướng lĩnh quân đội nói về những hành động sai trái của Trung Quốc tại biển Đông.

Trước đó một ngày, tờ Navy Times đưa tin cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice quyết định “bịt miệng” Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) và các quan chức quân sự cấp cao khác khi chính quyền Tổng thống Barack Obama chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân vào tuần rồi, trong đó có sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tàu cá Trung Quốc gây lo ngại tại biển Đông. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tàu cá Trung Quốc gây lo ngại tại biển Đông. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Tuy nhiên, ông Peter Cook, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton Carter và ông Harris không bị cản trở trong việc bày tỏ ý kiến thẳng thắn đến Tổng thống Obama và Hội đồng An ninh quốc gia về tình hình châu Á - Thái Bình Dương.

Theo tờ The Washington Post, bản thân ông Harris cũng khẳng định không có sự bất hòa nào giữa PACOM và Nhà Trắng. Ông Harris từ chối tiết lộ ý kiến mình trình lên Tổng thống Obama và Bộ trưởng Carter để bảo đảm giá trị thông tin. Tuy nhiên, theo một quan chức quốc phòng giấu tên, ông Obama đã chấp nhận nhiều đề nghị của ông Harris, như nối lại chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông vài tháng trước, để chống lại âm mưu “bá quyền” của Trung Quốc ở Đông Á.

Cuộc đối đầu Mỹ - Trung về vấn đề biển Đông có thể thu hút thêm nhiều chú ý khi ông Carter dự kiến thăm Philippines trong những ngày tới. Trước thềm chuyến thăm này, một quan chức Philippines hôm 8-4 cho biết Mỹ đã dành hơn 120 triệu USD để viện trợ quân sự cho nước này trong năm nay - con số cao nhất trong 15 năm qua. Ngoài ra, Manila đang thương thảo với Washington để mua thêm một chiếc tàu lớp Hamilton để tăng cường khả năng tuần tra hàng hải.

Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) hôm 7-4 nhận định cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông hiện nay liên quan đến nguồn tài nguyên cá hơn là trữ lượng dầu khí tiềm tàng. Đáng chú ý, đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc không chỉ giúp nuôi sống 1,3 tỉ dân của họ mà còn là vũ khí được Bắc Kinh sử dụng cho âm mưu độc chiếm biển Đông.

Vì thế, theo tờ báo, những tranh cãi về quyền đánh cá ở biển Đông có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện, thậm chí là xung đột vũ trang. “Chúng là yếu tố hàng đầu dẫn có thể dẫn đến sự leo thang ngoài ý muốn ở biển Đông” - ông Gregory Poling, chuyên gia hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), nhận định với Foreign Policy.

Một kịch bản như thế là mối lo lớn với Liên minh châu Âu bởi an ninh kinh tế của khối này được xem là có liên hệ chặt chẽ với sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh mới đây, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc phụ trách vùng châu Á - Thái Bình Dương của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS), bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở biển Đông, đồng thời thúc giục tất cả các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế.

Theo Hoàng Phương

Người Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm