Nguy cơ Ukraine “lép vế” khi đối đầu với Nga trên biển
(Dân trí) - Cuộc chạm trán giữa các tàu của Nga và Ukraine gần đây có thể thổi bùng nguy cơ xung đột giữa hai nước, tuy nhiên một số chuyên gia nhận định Kiev hoàn toàn “lép vế” trước Moscow trong trận chiến trên biển.
Khi lực lượng an ninh biển Nga nổ súng trấn áp các tàu Hải quân Ukraine ở ngoài khơi bán đảo Crimea hôm 25/11, người dân Ukraine trên khắp cả nước đang mải miết với các hoạt động tưởng niệm hàng triệu người thiệt mạng trong nạn đói xảy ra cách đây 85 năm.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có mặt tại bang Florida để chơi golf và suy ngẫm về tương lai chính trị của mình. Thủ tướng Anh Theresa May tới Brussels, Bỉ để dự các cuộc họp về vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu. Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron cũng đang bận rộn giải quyết các vụ biểu tình bạo lực nổ ra trên khắp cả nước.
Theo Michael Bociurkiw, nhà phân tích các vấn đề toàn cầu và là cựu phát ngôn viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu, sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014 và sau đó là lôi kéo khu vực Donetsk và Luhansk tại đông Ukraine, các lực lượng của Nga dường như có xu hướng “ra tay” hành động khi phương Tây đang tập trung vào các vấn đề khác.
Vụ đụng độ căng thẳng trên biển Azov hôm 25/11 được cho là “giọt nước tràn ly” sau nhiều tháng âm ỉ khi các lực lượng Nga tăng cường hiện diện tại vùng biển chung giữa Nga và Ukraine, đồng thời cản trở các tàu thương mại ra vào các cảng của Ukraine. Tuy vậy, rất ít người ngờ rằng Nga sẵn sàng mở một “mặt trận” xung đột mới với Ukraine bằng cách nổ súng về phía các tàu hải quân của Ukraine. Vụ đụng độ khiến 3 tàu cùng 24 thủy thủ Ukraine bị bắt, trong đó có một số người bị thương.
Các tàu Nga và Ukraine chạm trán gần eo biển Kerch hôm 25/11. (Ảnh: RT)
Theo CNN, từ đầu năm nay, Nga bắt đầu siết chặt các hoạt động giao thương tới hai cảng chính ven biển của Ukraine, gây tổn thất nặng nề về kinh tế tại khu vực cửa ngõ xuất khẩu sắt thép và ngũ cốc của Ukraine.
“Dù theo chuẩn mực nào, đây là những hành động gây chiến”, Stephan Blank, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, nhận định. Ông Blank từng kêu gọi NATO đưa các tàu tới biển Đen và biển Azov để phô diễn sức mạnh trước Nga.
Cuộc chạm trán giữa các tàu chiến Nga và Ukraine gần đây là vụ đụng độ công khai đầu tiên giữa hai nước trong gần 5 năm xảy ra cuộc xung đột tại đông Ukraine. Cho đến bây giờ, Nga vẫn luôn phủ nhận cáo buộc rằng nước này có liên quan tới cuộc xung đột.
Nhà phân tích Michael Bociurkiw cho rằng những gì xảy ra hôm 25/11 một lần nữa cho thấy Ukraine vẫn chưa “đủ sức” để sẵn sàng đương đầu trong một cuộc chiến với Nga trên biển. Theo nghị sĩ Ukraine Viktor Romaniuk, hải quân Ukraine được mô tả là một lực lượng yếu kém, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea cách đây 4 năm. Một trong những con tàu “tiền tuyến” của Ukraine trên biển Azov thực chất là một tàu đánh cá được cải tiến với một khẩu súng máy duy nhất.
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bị chỉ trích vì chần chừ trong việc nâng cao năng lực phòng vệ trên biển của Ukraine, bao gồm việc tiếp nhận chậm trễ hai tàu của lực lượng tuần duyên Mỹ. Nếu Nga muốn tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ nhằm vào khu vực ven biển Azov của Ukraine, Moscow sẽ vấp phải rất ít sự phản kháng.
Phản ứng của Ukraine
Tổng thống Poroshenko phát biểu trước các nghị sĩ Ukraine về việc ban bố lệnh thiết quân luật sau vụ đụng độ trên biển với Nga (Ảnh: Reuters)
Như thường lệ, phản ứng của Ukraine khi Nga có những hành động cứng rắn là kêu gọi các nước tăng cường trừng phạt Moscow, đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn và tiến hành các cuộc họp với lãnh đạo các nước đồng minh. Tất cả các biện pháp trên đều được chính quyền Tổng thống Poroshenko thực hiện trong hai ngày cuối tuần trước. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Ukraine đã tiến thêm một bước khi sử dụng một công cụ khiến ngay cả các nhà ngoại giao phương Tây cũng hoài nghi, đó là lệnh thiết quân luật.
Lệnh thiết quân luật của Tổng thống Poroshenko được áp đặt tại 10 vùng biên giới của Ukraine, gồm các khu vực giáp Nga và dọc bờ biển Đen cũng như biển Azov. Lệnh thiết quân luật kéo dài 30 ngày, cho phép huy động quân đội, tạm hoãn bầu cử, kiểm soát truyền thông và hạn chế biểu tình.
Mặc dù lệnh thiết quân luật được cho là cần thiết trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay giữa Nga và Ukraine, song cũng có nhiều nghi vấn rằng, tại sao biện pháp cứng rắn này không được Ukraine áp dụng khi Nga sáp nhập Crimea hay khi cuộc xung đột tại đông Ukraine lên đến đỉnh điểm vào các năm 2014 và 2015.
Nghi vấn trên khiến giới chỉ trích tin rằng, việc ban bố thiết quân luật là quyết định mang động cơ chính trị của chính quyền Tổng thống Poroshenko. Trong tháng này, ông Poroshenko nhận được mức tỷ lệ ủng hộ thấp nhất trong số các ứng viên chuẩn bị tranh cử vào ghế tổng thống Ukraine vào tháng 3 năm sau. Do vậy, việc ông Poroshenko nhanh chóng xử lý cuộc khủng hoảng trên biển với Nga có thể là cách để chứng minh rằng ông vẫn là một ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử sắp tới.
Nhà lãnh đạo Ukraine từng bị truyền thông nước này “bóc mẽ” về những chuyến du lịch bí mật và đắt đỏ cũng như che giấu bất động sản tại Tây Âu. Theo Asia Times, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Poroshenko gần đây chỉ ở mức 8%, đồng nghĩa với việc cơ hội tái đắc cử của ông gần như bằng 0. Do vậy, giới phân tích cho rằng ông Poroshenko có thể sẽ tìm cách gia hạn lệnh thiết quân luật, từ đó hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau.
Theo nhà phân tích Mattia Nelles, các khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của lệnh thiết quân luật mới đều là những nơi có ý nghĩa quan trọng với Tổng thống Poroshenko. Pepe Escobar, chuyên gia phân tích tình hình Trung Á và Trung Đông, nhận định thông qua vụ việc gần đây, chính quyền Poroshenko có thể làm gia tăng căng thẳng với Nga, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây cũng như người dân Ukraine trước thềm bầu cử. Ông Poroshenko có thể xây dựng hình ảnh như một nhà lãnh đạo yêu nước cứng rắn, sẵn sàng đương đầu với “gấu Nga” để bảo vệ lợi ích của Ukraine.
Thành Đạt
Tổng hợp