1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nguy cơ Mỹ “gậy ông đập lưng ông” vì trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Mỹ có thể hứng chịu hệ quả nếu quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Nguy cơ Mỹ “gậy ông đập lưng ông” vì trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ - 1

Hệ thống S-400 của Nga (Ảnh: Tass)

Tại sao trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ?

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7 đã chính thức tiếp nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 theo hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD ký với Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi S-400 là thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và NATO.

Các thượng nghị sĩ Mỹ đang hối thúc Tổng thống Donald Trump áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Ông Erdogan đã lựa chọn mối quan hệ đối tác nguy hiểm với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, đánh đổi bằng an ninh, sự thịnh vượng về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và sự thống nhất toàn vẹn của liên minh NATO”, 4 thượng nghị sĩ, bao gồm chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết trong tuyên bố của lưỡng đảng tuần trước.

Giới chức Mỹ xem thương vụ S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa với NATO, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước có lực lượng quân sự lớn thứ hai của liên minh có tuổi đời 70 năm này. Lầu Năm Góc lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do nước này mua của Mỹ hoạt động bên cạnh hệ thống tên lửa S-400 của Nga sẽ cho phép tình báo Nga thu thập thông tin về máy bay Mỹ.

Các thượng nghị sĩ Mỹ hy vọng lệnh trừng phạt sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới các thành viên NATO về việc mua vũ khí từ các nước bên ngoài liên minh, đặc biệt là từ những nước được xem là đối thủ của NATO.

“Thương vụ mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã làm xói mòn những nỗ lực phối hợp sản xuất hoặc mua sắm vũ khí trong nội bộ NATO. Nguy cơ đặt ra bây giờ là các nước khác sẽ đi theo sự dẫn dắt của Thổ Nhĩ Kỳ, mua các hệ thống vũ khí quan trọng từ các nước bên ngoài NATO”, Timothy Ash, chiến lược gia về thị trường mới nổi tại hãng quản lý tài sản Bluebay Asset Management, nhận định.

“Điều quan trọng hơn với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ đó là, các nước thành viên NATO đã được bật đèn xanh cho việc mua vũ khí từ các nước đối thủ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Đây là nguy cơ rất lớn với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ”, chuyên gia Ash cho biết.

Những người ủng hộ trừng phạt cũng lo sợ rằng, việc Mỹ không có động thái cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm suy yếu các công cụ trừng phạt lớn hơn của Washington, vốn đang được áp dụng với hàng loạt quốc gia như Venezuela, Cuba, Triều Tiên và Nga.

Mỹ “gậy ông đập lưng ông” vì trừng phạt?

Nguy cơ Mỹ “gậy ông đập lưng ông” vì trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ - 2

Lô hàng đầu tiên của hệ thống S-400 được Nga chuyển tới sân bay Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters)

Một số nhà phân tích cho rằng, đòn trừng phạt của Mỹ sẽ giúp ngăn chặn các thương vụ vũ khí trong tương lai giữa các thành viên NATO và các nước ngoài khối như Nga, tuy nhiên các lệnh trừng phạt này rốt cuộc sẽ mang lại lợi ích cho Moscow.

“Các lệnh trừng phạt sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rời xa quỹ đạo của phương Tây hơn và đưa Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần các đối thủ của phương Tây như Nga, Iran…”, chuyên gia Ash bình luận.

Một số nhà phân tích cho rằng những rạn nứt trong nội bộ NATO từ lâu đã là mục tiêu mà Nga theo đuổi.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc không cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Incirlik, một “bệ phóng” có tầm quan trọng chiến lược đối với các chiến dịch của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài ra,

Theo Ali Bakeer, nhà phân tích chính trị tại Ankara, việc áp lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ là bước đi sai lầm của Mỹ.

“Tôi nghĩ Nga đã khôn ngoan hơn Mỹ trong những năm vừa qua khi tìm cách lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình. Sẽ là sai lầm lớn nếu giúp Moscow đạt được mục tiêu nới rộng khoảng cách giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạo ra sự rạn nứt trong khối NATO bằng việc áp lệnh trừng phạt lên Ankara”, CNBC dẫn lời nhà phân tích Bakeer nhận định.

Mỹ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?

Theo Luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA), chính quyền Trump phải lựa chọn ít nhất 5 trong số 12 biện pháp trừng phạt theo quy định của luật nếu muốn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Các đòn trừng phạt này có thể nhắm mục tiêu vào hoạt động xuất khẩu, vũ khí, thể chế tài chính và các khoản vay của Thổ Nhĩ Kỳ tại các ngân hàng Mỹ.

Một số chuyên gia khu vực tin rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể sẽ nhắm vào các công ty có liên quan đến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, song không gây tổn thất quá lớn cho nền kinh tế nước này. Nếu các đòn trừng phạt giáng vào các ngân hàng, tỷ giá ngoại hối và đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể gây khó khăn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và làm sụt giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào đất nước 80 triệu dân, đặc biệt sau hơn một năm Thổ Nhĩ Kỳ gặp khủng hoảng tài chính do những tranh cãi ngoại giao trước đây với Mỹ và các chính sách của Tổng thống Erdogan. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 30% giá trị so với đồng USD vào năm 2018 trong bối cảnh Mỹ hăm dọa trừng phạt, lạm phát leo thang và nhiều vấn đề khác.

Lầu Năm Góc hồi tháng 6 cảnh báo sẽ rút Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ do mua S-400 của Nga. Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào việc bảo trì và sản xuất F-35 theo chương trình này.

“Ankara sẽ bị ảnh hưởng và nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiệt hại nặng nề, đồng thời mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga”, chuyên gia Bakeer nhận định.

Thành Đạt

Tổng hợp