1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguy cơ leo thang căng thẳng Nga - Mỹ sau vụ va chạm ở Biển Đen

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Vụ va chạm vào ngày 14/3 giữa máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ tại Biển Đen khiến nhiều người lo ngại có thể thổi bùng căng thằng giữa 2 cường quốc.

Nguy cơ leo thang căng thẳng Nga - Mỹ sau vụ va chạm ở Biển Đen - 1

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper "Ác điểu" - UAV chủ lực trong biên chế quân đội Mỹ (Ảnh: Oryx).

Nguy cơ về một tính toán sai lầm?

Trong một thông cáo được đưa ra hôm 14/3, Không quân Mỹ cáo buộc các tiêm kích Su-27 của Nga đã có những "hành động thiếu chuyên nghiệp", gây ra va chạm và khiến một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của nước này rơi xuống Biển Đen.

"Nhiều lần trước khi va chạm xảy ra, các tiêm kích Su-27 của Nga đã tiến hành xả nhiên liệu và bay trước UAV MQ-9 một cách cẩu thả, không phù hợp và thiếu chuyên nghiệp", Đại tướng James B. Hecker, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi xác nhận, đồng thời cho biết các phi công Nga đã cố gắng ngăn cản quá trình tuần tra theo thông lệ của UAV Mỹ.

Chuẩn tướng Patrick Ryder, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, tiết lộ các tiêm kích Su-27 của Nga đã bám theo UAV MQ-9 Reaper ở khoảng cách gần trong khoảng một giờ rưỡi trước khi vụ va chạm xảy ra.

Vụ va chạm trên khiến giới quan sát bày tỏ quan ngại về việc căng thẳng giữa Nga và Mỹ sẽ leo thang trong khu vực.

Vị trí xảy ra vụ việc cũng có vị trí rất gần với vùng chiến sự Ukraine, nơi Moscow liên tục cáo buộc Mỹ đang tham gia vào một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" với Nga thông qua việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo một số nguồn tin, Nga đã cử 2 tiêm kích Su-27 ngăn chặn UAV Mỹ nhằm cản trở máy bay này thu thập thông tin tình báo về tình hình Biển Đen và gửi cho phía Ukraine.

Việc duy trì các hoạt động quân sự tại một vùng biển nhạy cảm trong thời gian chiến sự diễn ra được cho là có thể dẫn đến những tính toán sai lầm khiến căng thẳng leo thang của cả 2 bên. Nếu không được kiềm chế, những vụ va chạm như tại Biển Đen hoàn toàn có khả năng đẩy 2 siêu cường vào một cuộc xung đột trực tiếp tại châu Âu.

Nguy cơ leo thang căng thẳng Nga - Mỹ sau vụ va chạm ở Biển Đen - 2
Khu vực máy bay không người lái của Mỹ rơi ở Biển Đen sáng 14/3 (Đồ họa: Guardian).

Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Mỹ. Theo Moscow, UAV MQ-9 Reaper bị rơi xuống biển là do phi công Mỹ đã mất điều khiển. Nga cũng khẳng định các máy bay của nước này đã "không sử dụng vũ khí hay tiến lại gần UAV Mỹ". Bên cạnh đó, Nga cáo buộc UAV của Mỹ đã "di chuyển lại gần khu vực biên giới của Liên bang Nga".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng vụ việc hôm 14/3 là "một hành động gây hấn". Tuy nhiên, ông Antonov khẳng định "Nga sẽ không muốn cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ".

Ngay sau khi UAV MQ-9 bị rơi, quân đội Mỹ đã bắt đầu một cuộc chạy đua với thời gian nhằm thu hồi máy bay không người lái này. UAV MQ-9 Reaper là một trong những UAV hiện đại và quan trọng bậc nhất trong biên chế quân đội Mỹ. Vì vậy, việc để lọt những bí mật quân sự từ máy bay không người lái này vào tay đối phương là điều mà Washington không hề mong muốn.

"Theo những gì tôi được biết, tại thời điểm này, phía Nga chưa thể thu hồi được UAV bị rơi", Chuẩn tướng Ryder nói với các phóng viên vào chiều 14/3 theo giờ địa phương.

Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby khẳng định vụ việc trên sẽ không ảnh hưởng đến các kế hoạch hoạt động của Mỹ tại Biển Đen.

"Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tại khu vực không phận và vùng biển quốc tế. Biển Đen không là vùng biển riêng của bất kỳ quốc gia nào", ông Kirby nhấn mạnh.

MQ-9 Reaper "Ác điểu" - UAV chủ lực của Mỹ

MQ-9 Reaper ("Ác điểu") là một trong những máy bay chiến đấu không người lái chủ lực của quân đội Mỹ. Được thiết kế và chế tạo bởi nhà thầu General Atomics, UAV này ra mắt lần đầu tiên vào năm 2001 và được đưa vào sử dụng từ năm 2007.

Nguy cơ leo thang căng thẳng Nga - Mỹ sau vụ va chạm ở Biển Đen - 3

UAV MQ-9 Reaper của Mỹ trong một nhiệm vụ chiến đấu (Ảnh: Không quân Mỹ).

Với chiều dài 11m, sải cánh 20m và chiều cao 3,6m, MQ-9 Reaper có thể cất cánh với tải trọng tối đa gần 1,5 tấn và bay liên tục trong vòng 14 giờ hoặc gần 2.000km.

UAV MQ-9 Reaper thường được điều khiển bởi 2 phi công từ một căn cứ chỉ huy dưới mặt đất. Hai phi công này sẽ luân phiên chịu trách nhiệm điều khiển hệ thống và các thiết bị chiến đấu hoặc thu thập thông tin tình báo của máy bay.

Loại UAV này thường được sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát và tấn công các mục tiêu bằng vũ khí có độ chính xác cao. Hiện MQ-9 Reaper được trang bị các loại vũ khí uy lực như tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire, bom điều khiển laser GBU-12 Paveway II, bom thông minh JDAM GBU-38 cũng như tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder.

Tại khu vực Biển Đen, các UAV MQ-9 Reaper thường được sử dụng để thu thập thông tin tình báo về hoạt động tác chiến của Hải quân Nga. Đơn giá của một UAV loại này vào thời điểm hiện tại rơi vào khoảng 32 triệu USD. Theo một số nguồn tin, hiện quân đội Mỹ đang sở hữu và vận hành khoảng 300 UAV MQ-9 Reaper ở các phiên bản khác nhau.

Theo Guardian, Defense Express