Nguy cơ bùng phát lốc xoáy lửa trong thảm họa cháy rừng ở Mỹ
(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra lốc xoáy lửa nếu thảm họa cháy rừng ở California, Mỹ trở nên tồi tệ hơn.
Theo truyền thông Mỹ, lính cứu hỏa ở California có thể phải đối mặt với lốc xoáy lửa, một hiện tượng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, trong đó các đám cháy rừng tự tạo ra khi cường độ hỏa hoạn gia tăng.
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo hôm 14/11 rằng sự kết hợp giữa gió mạnh và điều kiện khô hạn nghiêm trọng đã tạo ra một "tình huống đặc biệt nguy hiểm" trong đó bất kỳ đám cháy mới nào cũng có thể bùng nổ về quy mô. Cảnh báo kéo dài đến ngày 15/1 này không đề cập đến lốc xoáy lửa, nhưng nhà khí tượng học Todd Hall cho biết chúng có thể xảy ra trong điều kiện cực đoan như hiện nay.
Thuật ngữ "lốc lửa" được định nghĩa là "cột xoáy quay của khí nóng và không khí bốc lên từ một đám cháy, mang theo khói, mảnh vụn và lửa lên cao," và những lốc lửa lớn "có cường độ tương đương với một cơn lốc xoáy nhỏ".
Các đám cháy rừng với luồng khí hỗn loạn có thể tạo ra các đám mây, từ đó gây ra sét hoặc một cột xoáy gồm tro, khói và lửa, theo giáo sư khí tượng và khí hậu học Leila Carvalho tại Đại học California, Santa Barbara.
"Có một sự xoay chuyển do lực gió rất mạnh và một hệ thống áp suất thấp cực nóng tại địa phương", bà nói.
Lốc xoáy lửa có thể làm cho các đám cháy mạnh hơn bằng cách hút không khí vào, Carvalho cho biết. "Nó tạo ra một đường lốc xoáy, và bất cứ nơi nào nó đi qua, sự tàn phá giống như bất kỳ cơn lốc xoáy nào khác", bà giải thích.
Năm 2018, một lốc xoáy lửa có kích thước bằng ba sân bóng đá đã giết chết một lính cứu hỏa khi nó bùng nổ trong một đám cháy rừng vốn rộng lớn và tàn khốc gần Redding, cách San Francisco khoảng 400km về phía bắc.
Nghiên cứu cũng cho thấy lốc lửa có thể mang theo các tia lửa bay đi xa, James Urban, trợ lý giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Phòng cháy tại Viện Bách khoa Worcester, cho biết. Chúng cũng có thể thay đổi hướng lan của đám cháy, ông nói.
Khoảng 8.500 lính cứu hỏa từ ít nhất 7 bang và 2 quốc gia nước ngoài đã tới ngăn chặn các đám cháy ở khu vực Los Angeles lan rộng thêm, đồng thời kiểm soát thêm một phần nhỏ chu vi của các đám cháy.
Một đội máy bay thả nước và chất chống cháy xuống các ngọn đồi hiểm trở, trong khi các đội mặt đất với công cụ cầm tay và vòi nước đã làm việc suốt ngày đêm kể từ khi các đám cháy bùng phát vào ngày 7/1.
Đã có 25 người thiệt mạng vì cháy rừng. Số công trình bị hư hại hoặc phá hủy ở mức hơn 12.000, báo hiệu một nỗ lực tái thiết đồ sộ phía trước.
Nhiều khu dân cư bị san phẳng, chỉ còn lại đống tro tàn và đổ nát. Ở nhiều ngôi nhà, chỉ còn lại ống khói.
"Xem trên TV là một chuyện. Nhìn từ trên không lại là một chuyện khác. Sự tàn phá khổng lồ, khổng lồ là không thể tưởng tượng được cho đến khi bạn thực sự nhìn thấy nó", Thị trưởng Los Angeles Karen Bass nói trong một cuộc họp báo.
Trang AccuWeather ước tính tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế từ 250 tỷ USD đến 275 tỷ USD, biến vụ cháy rừng trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ, vượt qua bão Katrina năm 2005.