1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Trung Quốc bức xúc vì bị cắt điện "chưa từng có tiền lệ"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Đợt cắt điện luân phiên kéo dài trong nhiều ngày khiến hàng triệu hộ gia đình ở phía bắc Trung Quốc bị mất điện liên tục. Người dân bức xúc vì cuộc sống thường ngày của họ bị đảo lộn.

Hàng triệu người Trung Quốc bức xúc vì bị cắt điện "chưa từng có tiền lệ"

Người Trung Quốc bức xúc vì bị cắt điện chưa từng có tiền lệ - 1

Đèn giao thông ngừng hoạt động vì mất điện gây nên tình trạng tắc đường nghiêm trọng ở Liêu Ninh (Ảnh: SCMP).

Theo hãng tin Al Jazeera, tình trạng mất điện ở khu vực đông bắc Trung Quốc đã đẩy hàng triệu hộ gia đình nước này phải sống trong cảnh tối tăm, đe dọa tới nguồn cung cấp nước của ít nhất một tỉnh và khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa hàng loạt. 

Thời báo Hoàn cầu hôm 28/9 cho biết, các tỉnh Cát Lâm, Liêu Ninh, Hắc Long Giang đang đối diện với tình trạng bị cắt điện "bất ngờ", "chưa từng có tiền lệ". Đây là kết quả của hoạt động phân phối điện trong giờ cao điểm.

Việc phân bổ lại điện bắt đầu từ ngày 23/9 do tình trạng thiếu than đá, và diễn ra mà không báo trước cho người dân. Thời báo Hoàn cầu cho biết, việc thiếu điện đã khiến người dân nổi giận khi mạng 3G ở một số khu vực bị cắt, đèn đường không hoạt động. "Tình trạng mất điện đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng tới đời sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh", tờ báo viết.

Một nhà máy nước ở Cát Lâm cảnh báo rằng, việc thiếu điện có thể gây ảnh hưởng tới việc cấp nước cho các hộ gia đình vào bất cứ thời điểm nào. Trong khi đó, đài truyền hình CCTV cho hay, một nhà máy ở Liêu Ninh đã phải đưa 23 công nhân đi bệnh viện vì bị ngộ độc khí CO khi quạt thông gió đột ngột ngừng hoạt động vào thời điểm mất điện.

Các công ty cũng bị yêu cầu phải hạn chế sử dụng điện để làm giảm nhu cầu với năng lượng. Tại một số khu vực, truyền thông nhà nước đưa tin về các vụ việc người dân bị kẹt trong thang máy vì khu nhà ở của họ bị cắt điện luân phiên. Đường phố ở nhiều khu vực tối om vì thiếu điện, đèn giao thông không hoạt động gây tắc đường nghiêm trọng tại một số khu vực. 

"Điện bị cắt 8 lần một ngày, 4 ngày liên tiếp. Tôi thực sự không nói nên lời", một người dùng mạng xã hội Weibo than phiền. Một người khác nói rằng các trung tâm thương mại phải đóng cửa sớm và một cửa hàng tiện lợi phải dùng nến vì bị mất điện.

Ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng

Theo Al Jazeera, gần 60% nền kinh tế Trung Quốc được vận hành bởi năng lượng từ than sinh ra nhiệt điện. Giá than tăng phi mã do nhu cầu sản xuất gia tăng trên diện rộng hậu đại dịch Covid-19 đã khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang siết chặt các tiêu chuẩn về phát thải để đáp ứng các mục tiêu họ đặt ra về môi trường và chống biến đổi khí hậu. Những yếu tố trên dẫn tới tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc.

Việc thiếu điện đã gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến nhiều nhà máy bị ngừng hoạt động.

Nhà cung cấp Unimicron của hãng điện thoại Apple (Mỹ) cho biết các nhà máy ở các khu vực đã nhận được lệnh dừng sản xuất từ 26-30/9. Hàng chục công ty khác, bao gồm một nhà cung cấp cho hãng xe Tesla (Mỹ) cũng bị yêu cầu dừng sản xuất tuần này.

Trong khi đó, Goldman Sachs (Mỹ) ước tính rằng, 44% hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã và đang bị ảnh hưởng với thiếu điện. Giới quan sát cảnh báo, tình trạng này có thể tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, Global Times dẫn lời những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan nói rằng, "khả năng cung cấp năng lượng của Trung Quốc cho đến nay là đủ để đáp ứng nhu cầu và Trung Quốc không có khủng hoảng năng lượng".

Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết rằng các công ty nhiệt điện than hiện đang "mở rộng các kênh mua sắm của họ bằng mọi giá" để đảm bảo nguồn cung cấp điện và nhiệt cho mùa đông.

Các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực than đá nói rằng việc tìm nguồn nhập khẩu mới với mặt hàng này không phải là điều dễ. Trước đó, căng thẳng thương mại Trung Quốc - Australia đã khiến nguồn cung than đá tới Trung Quốc bị giảm mạnh trong thời gian qua.

"Nga phải đáp ứng nhu cầu than từ châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các lô hàng xuất khẩu của Indonesia đã bị hạn chế bởi thời tiết mưa trong vài tháng qua và xuất khẩu của Mông Cổ, chủ yếu bằng xe tải, có quy mô nhỏ", một thương nhân ở Đông Bắc Trung Quốc nói với hãng tin Reuters.