1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Người tháo chuông" ở Ukraine

(Dân trí) - Sau hơn 3 tháng biểu tình bạo loạn, cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine leo thang đến đỉnh điểm với các cuộc xung đột ngùn ngùn khói lửa ở thủ đô. Sự phản kháng mạnh mẽ của phe biểu tình chỉ có thể được đẩy lùi khi người buộc chuông tự tháo nút thắt.

Xe chở Tổng thống Ukraine bị trúng đạn
Tổng thống Yanukovych có thể phải nhượng bộ nhưng điều đó không có nghĩa vòng cung ảnh hưởng của châu Âu đã có thể tiến tới sát biên giới nước Nga.

Sau các cuộc đụng độ đẫm máu ở thủ đô Kiev từ ngày 18-20/2 làm ít nhất 77 người chết và hơn 550 người bị thương, đại diện các phái đối lập ở Ukraine - gồm chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych và 3 phe đối lập chính - đã tiến hành đàm phán cấp tốc ở thành phố Varsava dưới sự trung gian hòa giải của Nga và 3 đại diện Liên minh châu Âu (EU) gồm ngoại trưởng Đức, Pháp và nước chủ nhà Ba Lan.

Sau những tranh luận căng thẳng và gay cấn kéo dài suốt đêm 21/2, cuối cùng chính phủ Ukraine và phe đối lập cũng nhất trí ký thỏa thuận chấm dứt khủng hoảng nhằm khép lại vòng xoáy xung đột tồi tệ nhất ở quốc gia Đông Âu này kể từ khi giành độc lập. Thỏa thuận có nhiều điều khoản thiệt thòi cho Tổng thống thân Nga Yanukovych, nhưng nó lại là giải pháp tốt nhất hiện nay cho ván cờ đấu đá chính trị ở Ukraine, cả với người trong cuộc lẫn các thế lực đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng ở một trong những quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết.

Theo thỏa thuận này, Ukraine sẽ quay lại với bản Hiến pháp năm 2004 quy định chế độ Nghị viện - Tổng thống, thành lập chính phủ tạm quyền để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trước thời hạn trước tháng 12 và phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị trong đó có nữ hoàng khí đốt Yulia Timoshenko, cựu Thủ tướng đang phải chịu án tù 7 năm vì tội tham nhũng.

Với những điều khoản trên, rõ ràng ông Yanukovych đang phải chấp nhận gánh phần thiệt lớn về mình. Nếu không bị dồn vào bước đường cùng, hẳn ông không thể đồng ý ký vào văn kiện tự hạn chế quyền lực và trao thêm quyền cho Quốc hội. Điều này chứng tỏ ông đã không còn lựa chọn nào khác khi người ủng hộ ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin, quyết định chơi một ván cờ khác với các đối thủ châu Âu. Ông Putin đã tự tháo nút thắt cho chiếc chuông mà ông đã buộc trước đó.  

Là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới dám đương đầu với Mỹ và phương Tây, ông Putin được đánh giá có đủ khả năng tháo gỡ mọi căng thẳng trong những hồ sơ quốc tế gai góc nhất. Thỏa thuận Mỹ - Nga về cuộc khủng hoảng Syria đạt được tháng 10 năm ngoái là một trong những minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định này.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nhà lãnh đạo cao nhất của nước Nga cũng đang đi những nước cờ tương tự như đã từng làm đối với cuộc chiến ở Syria với mục tiêu duy nhất: bảo vệ đồng minh (Syria) hay láng giềng (Ukraine) trước sự tấn công hay lấn át ảnh hưởng của phương Tây. Nếu như ở Syria, ông Putin tìm mọi cách bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hòng giữ lại được đồng minh duy nhất ở Trung Đông thì với Ukraine, ông chủ điện Kremlin cũng cố gắng làm hết sức để ngăn không cho Mỹ và châu Âu mở rộng đường biên giới ảnh hưởng tới biên giới nước Nga. Chính vì lẽ đó, ông phải làm hết sức có thể để giữ chân bằng được các nhà lãnh đạo theo đường lối thân Nga ở hai nước này.

Với Tổng thống Yanukovych, do sự gần gũi về địa lý và sự không đối xứng trong quan hệ kinh tế, Tổng thống Putin đã quyết định chọn chiến lược “vừa đấm, vừa xoa”. Trong khoảng thời gian rất ngắn hồi tháng 8 năm ngoái, Nga đã cho Ukraine thấy rõ những hậu quả mà nước này sẽ phải hứng chịu nếu ký kết Hiệp định liên kết với châu Âu. Phương thức mà Mátxcơva tiến hành lúc bấy giờ là siết chặt kiểm soát hải quan đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Ukraine trong vòng 5 ngày. Và hậu quả là các nhà xuất khẩu của Ukraine cũng như các nhà nhập khẩu của Nga bị tổn thất lên đến hàng triệu USD.

Đây là đòn nắn gân đầu tiên cực kỳ có hiệu nghiệm đối với ban lãnh đạo của Ukraine, những người biết rằng cái giá phải trả cho việc đóng băng quan hệ với Nga sẽ vô cùng lớn nếu xét đến tỷ lệ 1/4 hàng hóa xuất khẩu của Ukraine là sang Nga và 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Ukraine đến các nước trong Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) mà Mátxcơva đang rất muốn Kiev tham gia. Đó là còn chưa kể đến việc Ukraine đang phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên liệu từ Nga cũng như việc toàn bộ ngành nghề công nghiệp của nước này phải trông chờ hoàn toàn vào Mátxcơva.

Vậy là, đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa xích lại gần với EU và bảo vệ nền kinh tế non yếu trước nguy cơ đổ vỡ một khi bị Nga áp đặt các hạn chế thương mại, Tổng thống Yanukovych và Thủ tướng Nicolai Azarov đã buộc phải quay lưng với châu Âu, dù rằng cả hai đều biết rõ hành động này chẳng khác nào cái tát giáng vào phương Tây hay dội gáo nước lạnh vào sự háo hức xích lại gần với châu Âu của một nửa dân số ở phía Tây.

Thế nhưng, cả Tổng thống Yanukovych, Thủ tướng Azarov và Tổng thống Putin đều không ngờ lần này các nước châu Âu lại quyết định chơi “sát ván” đến vậy. Lợi dụng thời điểm nhà lãnh đạo nước Nga đang bận rộn với Thế vận hội thể thao mùa Đông Sochi 2014, phương Tây đã kịp bí mật đưa người và khí tài sang hỗ trợ phe đối lập Ukraine. Các cuộc biểu tình được tiến hành bài bản hơn, các cuộc đụng độ diễn ra thường xuyên hơn với sự hỗ trợ của nhiều loại vũ khí, trong khi các yêu sách đối với chính quyền cũng ngày càng khó hơn.

Khi nhận thấy mọi việc đã vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền đương nhiệm với việc phe đối lập biến thủ đô Kiev thành một bãi chiến trường thực sự trong các ngày 18-22/2, Tổng thống Putin đã quyết định đi nước cờ mới: chấp nhận để Tổng thống Yanukovych lùi lại một bước (ký thỏa thuận nhượng bộ phe đối lập, giống như việc ép Tổng thống Syria phải đồng ý hủy bỏ kho vũ khí hóa học) để bảo toàn chính quyền hiện nay.

Rõ ràng đối với Mátxcơva, việc giữ lại được chính quyền của Tổng thống Yanukovych (ở Ukraine) và Tổng thống Assad (ở Syria) có ý nghĩa sống còn đối với việc bảo vệ các quyền lợi và duy trì sức mạnh ảnh hưởng của Nga. Việc cá nhân Tổng thống Yanukovych hay người đồng cấp Assad bị tạm thời giảm bớt quyền lực, đối với Nga, chỉ là một trong những chiến thuật trong tổng thể cuốc chiến đối đầu với phương Tây.

Cũng bởi lẽ đó, Tổng thống Putin rất biết khi nào phải đi những nước cờ rắn và khi nào phải chấp nhận lui về phòng thủ.  Điểm mấu chốt nhất là ông vẫn nắm quyền chủ động buộc chuông khi nào và tháo chuông ở đâu.

Đức Vũ