1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người phá rào cản ngôn ngữ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un

Trong các sự kiện liên quan đến Hàn Quốc và Triều Tiên, người ta đều thấy sự xuất hiện của Tiến sĩ Yun-hyang Lee, phiên dịch viên tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đáng chú ý, phiên dịch viên kỳ cựu của Bộ Ngoại giao Mỹ này đã đảm trách nhiệm vụ phiên dịch tại cả hai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

 

Người phá rào cản ngôn ngữ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un - 1

Bà Yun-hyang Lee giữ vai trò phiên dịch cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp một - một với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sáng 28-2 tại Hà Nội

 

Bà Yun-hyang Lee được ví là người phụ nữ đứng giữa Tổng thống Mỹ trong các cuộc gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2. Trước đó, bà Lee là người phụ nữ duy nhất trong cuộc họp mở rộng của hai nhà lãnh đạo tại Khách sạn Capella, đảo Sentosa (Singapore) vào tháng 6-2018. 

“Người hùng vô danh”

Năm nay 62 tuổi, bà Yun-hyang Lee có bằng Thạc sĩ về phiên dịch và biên dịch từ trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul (Hàn Quốc) và nhận bằng Tiến sĩ tại trường Đại học Geneva (Thụy Sỹ) năm 2009. Bà đã giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey tại Đại học Middlebury ở California và Đại học Ewha ở Seoul. Bà là một nhân viên xuất sắc trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama. 

Hầu như những sự kiện quan trọng liên quan đến Hàn Quốc không thể thiếu vắng Tiến sỹ Yun-hyang Lee. Bà từng đóng vai trò là thông dịch viên cho Tổng thống Trump khi ông tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in sang Washington hồi tháng 11-2017.

Theo Korea Times, bà Lee cũng xuất hiện bên Tổng thống Trump trong lễ đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên phóng thích vào tháng 5-2018. Bà cũng từng là phiên dịch viên tiếng Hàn chính thức tại Thế vận hội Olympics 2008 tổ chức ở Bắc Kinh, Thế vận hội Mùa đông 2010 ở Vancouver và Thế vận hội Mùa đông 2018 ở PyeongChang, Hàn Quốc.

Phiên dịch viên cũng có những quy tắc về đạo đức nghề nghiệp riêng và một trong những quy tắc đó là bảo mật thông tin. Những gì xảy ra trong cuộc họp bạn không có quyền được tiết lộ”. 

Stephanie van Reigersberg (Phiên dịch viên Bộ Ngoại giao Mỹ)

Frank Aum, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Hòa bình thuộc trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ) nói rằng bà Lee là “người hùng vô danh” trong các cuộc đàm phán của Mỹ với Triều Tiên và Hàn Quốc trong nhiều năm. “Bà ấy không cố gắng trở thành ngôi sao mà chỉ làm nền cho các lãnh đạo. Bà Lee chú ý đến việc truyền đạt ngôn ngữ chính xác thay vì tham gia quá sâu vào các cuộc trò chuyện”, tờ TIME trích lời nhận xét của ông Frank Aum.

Cái khó của nghề đặc biệt 

Mặc dù là một phiên dịch viên có nhiều năm kinh nghiệm song nhiệm vụ của bà khi trở thành người ở giữa kết nối hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên không đơn giản. Trong một buổi trả lời phỏng vấn Báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo năm 2015, bà Lee từng chia sẻ việc phiên dịch ngoại giao không chỉ bao gồm những điều rõ ràng rành mạch  như là “có” hoặc “không”. “Luôn có một thứ gì đó tồn tại ở giữa hai ranh giới đó”, bà Lee giải thích. Tuy nhiên, “Bà Lee cực kỳ xuất sắc trong việc lựa chọn sắc thái trong lời nói và đảm bảo thông điệp của Mỹ được truyền tải một cách chuẩn xác”, ông Aum nhận xét.

Theo Đài ABC News, trong các cuộc gặp ngoại giao cấp cao, phiên dịch viên phải dịch nhanh và chính xác để thể hiện đầy đủ ý của lãnh đạo, nhưng không chỉ có thế. Họ còn có sức mạnh chính trị ghê gớm - chỉ cần dịch sai hay lệnh nghĩa 1 từ cũng có thể khiến kết quả cuộc đối thoại bị đảo ngược.

Ông Harry Obst, người từng phiên dịch trong 7 nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ từ Tổng thống Lyndon B. Johnson cho đến Tổng thống Bill Clinton, cho rằng phiên dịch viên quan trọng hơn rất nhiều so với mọi người nghĩ. Theo ông Obst, “ám ảnh” lớn nhất đối với giới phiên dịch cho lãnh đạo là phải diễn giải tiếng lóng và thành ngữ cho đủ ý, nhất là người phiên dịch cho ông Donald Trump và ông Kim Jong-un càng cần hiểu rõ những từ ngữ 2 ông thường dùng. 

Mặt khác, nghề phiên dịch cấp cao này đôi khi cũng có cả những hệ lụy. Ví như bà Marina Gross là nữ phiên dịch trong phòng họp kín giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin hồi tháng 7-2018. Đến nay, vẫn không ai biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi điều gì trong cuộc họp kín hơn 2 giờ đồng hồ tại Helsinki (Phần Lan). Các Nghị sĩ Mỹ đã gây sức ép để có được câu trả lời từ bà Marina Gross. Tuy nhiên, giới chuyên gia phản đối vì việc buộc một phiên dịch viên tiết lộ nội dung một cuộc thảo luận kín giữa các nguyên thủ là điều “chưa có tiền lệ và rất nguy hiểm”.

Theo Yến Chi

An ninh thủ đô