1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Mỹ từng bị Triều Tiên bắt giam chết bí ẩn

(Dân trí) - Cảnh sát thành phố San Diego đang tiến hành điều tra cái chết bí ẩn của một người đàn ông từng bị Triều Tiên bắt giam trước khi được thả về Mỹ cách đây 7 năm.

Người Mỹ bị Triều Tiên bắt giam đoàn tụ với gia đình

Aijalon Mahli Gomes Gomes đoàn tụ với người thân tại Mỹ sau khi trở về từ Triều Tiên năm 2010. Đứng cạnh Gomes là cựu Tổng thống Jimmy Carter (trái) (Ảnh: Reuters)
Aijalon Mahli Gomes Gomes đoàn tụ với người thân tại Mỹ sau khi trở về từ Triều Tiên năm 2010. Đứng cạnh Gomes là cựu Tổng thống Jimmy Carter (trái) (Ảnh: Reuters)

Theo CNN, Aijalon Mahli Gomes bị phát hiện chết cháy vào tối ngày 17/11 tại công viên Mission Bay ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ. Nguồn tin từ cảnh sát cho một một sĩ quan thuộc đội tuần tra quốc lộ California đã phát hiện ra Gomes đang chìm trong đám lửa ở một khu đất và dừng lại để cứu người đàn ông này.

Gomes đã thiệt mạng ngay tại hiện trường. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của người đàn ông 38 tuổi này. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đây có thể là cái chết do tai nạn hoặc tự sát. Kết luận cuối cùng dự kiến được công bố sau khi Văn phòng Xét nghiệm Y tế hoàn tất quá trình điều tra.

Aijalon Mahli Gomes mới chuyển từ thành phố Boston tới San Diego gần đây. Cái chết của Gomes làm dấy lên nhiều nghi vấn về cuộc đời của công dân Mỹ này sau khi trở về từ Triều Tiên.

Gomes bị Bình Nhưỡng bắt giam vào tháng 1/2010 sau khi đi từ Trung Quốc sang Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên đã tuyên án Gomes 8 năm lao động khổ sai và phạt 600.000 USD với tội danh vượt biên trái phép.

Tháng 8/2010, Gomes được Triều Tiên trả tự do sau khi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trực tiếp tham gia đàm phán để thuyết phục Bình Nhưỡng thả người. Là nhà lãnh đạo bỏ nhiều công sức với nỗ lực làm tan băng quan hệ Mỹ - Triều, cựu Tổng thống Carter cũng không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào về chuyến đi của ông tới Triều Tiên để đàm phán về việc thả Mahli Gomes.

Cựu Tổng thống Carter từng tham gia vào quá trình đàm phán với Triều Tiên để đưa Gomes về Mỹ (Ảnh: AP)
Cựu Tổng thống Carter từng tham gia vào quá trình đàm phán với Triều Tiên để đưa Gomes về Mỹ (Ảnh: AP)

Trước khi bị Triều Tiên bắt giữ, Gomes đã sống ở Hàn Quốc được khoảng 9 năm. Ông Michael Farrow, chú của Gomes, nói rằng ông không biết lý do khiến cháu trai mình xâm nhập vào Triều Tiên. Theo ông Farrow cháu ông không phải là người có hành vi cực đoan và có lẽ Gomes chỉ muốn vào Triều Tiên để giúp đỡ và dạy học.

Một cuốn sách được xuất bản năm 2015 cho biết Gomes dạy tiếng Anh cho học sinh ở các vùng nông thôn ở Hàn Quốc khoảng 2 năm trước khi sang Trung Quốc và động lực thúc đẩy ông là “niềm tin vào sự bình đẳng toàn cầu”.

“Trong 9 tháng bị bắt giữ ở một nhà tù hẻo lánh dưới sự giám sát chặt chẽ, những người bạn và gia đình của ông ấy ở Mỹ không có bất kỳ thông tin nào về tình trạng sức khỏe cũng như nơi ông ấy bị giam giữ trong khi căng thẳng liên tục leo thang trong khu vực”, thông tin từ cuốn sách cho biết.

Gomes gần như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi được thả về Mỹ. Từ đó đến nay, Gomes được cho là vẫn đang tiếp tục hồi phục sau chấn thương gặp phải trong giai đoạn bị giam giữ ở Triều Tiên.

Gần đây dư luận Mỹ cũng xôn xao về cái chết của Otto Warmbier - người bị Triều Tiên bắt giữ năm 2016 và trả về Mỹ hồi tháng 6 trong tình trạng hôn mê. Warmbier qua đời không lâu sau khi được Triều Tiên thả về nước. Trước đó, sinh viên 22 tuổi này bị Bình Nhưỡng kết tội vì đánh cắp một biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn khi tới Triều Tiên du lịch.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm