1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người Mỹ gốc Hoa mắc kẹt giữa “làn đạn” chiến tranh thương mại Trung-Mỹ

(Dân trí) - Người Mỹ gốc Hoa đang phải đối diện với một thách thức mới khi họ bị “bế tắc” giữa những nghi kị là gián điệp cho Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.

Người Mỹ gốc Hoa dường như bế tắc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang (Ảnh minh họa: SCMP)
Người Mỹ gốc Hoa dường như bế tắc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang (Ảnh minh họa: SCMP)

Theo SCMP, có nhiều người Mỹ gốc Hoa than phiền rằng họ dường như đang trở thành đối tượng bị giám sát chặt chẽ vì những nghi kị rằng họ có thể giúp cho Trung Quốc có lợi thế hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như trong việc “nối dài” tầm ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh.

“Người Mỹ gốc Hoa là đối tượng dễ bị tổn thương và chúng tôi đang bị mắc kẹt ở giữa 2 bên”, ông Chi Wang, Chủ tịch tổ chức Chính sách Mỹ - Trung có trụ sở tại Washington, cho hay.

Ông Wang, một giáo sư tại đại học Georgetown, nói rằng thật đáng buồn khi gốc gác Trung Quốc của ông lại trở thành tiêu chí khiến ông trở nên “ít chất Mỹ” và thiếu tin cậy trong mắt người khác.

“Mỹ là nhà của tôi. Tôi đã sống ở Mỹ hơn 70 năm và làm việc cho chính phủ Mỹ 50 năm trước khi về hưu và tôi dần dần đang cảm thấy mình không được đón chào tại đây”, vị giáo sư 86 tuổi chia sẻ.

Hiện thời, cả Mỹ và Trung Quốc chưa thể hiện ra dấu hiệu rằng họ sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia. Gần đây nhất, Mỹ đã chính thức áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tương đương gần một nửa tổng hàng hóa Washington nhập từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã chỉ trích hành động của Mỹ, đồng thời tiếp tục có động thái đáp trả lên 60 tỷ USD hàng hóa Washington.

Trong bối cảnh đó, ông Triệu Lạc Tế, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tháng 8 đã kêu gọi những người gốc Hoa trên thế giới, gồm cả các công dân nước ngoài có gốc gác Trung Quốc, đoàn kết và hỗ trợ “lợi ích quốc gia lớn hơn” cho Bắc Kinh cũng như ủng hộ “giấc mơ Trung Quốc” của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Lời kêu gọi của ông Triệu được đưa ra trong một thời điểm vô cùng nhạy cảm và dĩ nhiên nó có ảnh hưởng không nhỏ tới cách Mỹ nhìn nhận chiến lược của Trung Quốc. Một báo cáo trình lên quốc hội của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung hồi tháng 8 đã cáo buộc Trung Quốc có những hoạt động gây ảnh hưởng và tác động tới nội bộ Mỹ.

Đây không phải là lần đầu tiên mà các nhà lập pháp ở Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác như Australia và New Zealand, lên tiếng cáo buộc chính phủ Trung Quốc thực hiện các chiến dịch gây tác động tới giới chính trị, học giả, trung tâm nghiên cứu và truyền thông phương Tây.

Động thái gần đây nhất của chính phủ Mỹ là việc Bộ Tư Pháp nước này hồi tuần trước yêu cầu hai đơn vị truyền thông nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã và đài truyền hình Trung Quốc Toàn cầu (CGTN) phải đăng ký dưới tư cách điệp viên nước ngoài theo FARA. Đây là đạo luật yêu cầu các tổ chức này phải trình báo quan hệ của họ với các tổ chức chính phủ của Mỹ và các thông tin về hoạt động có liên quan.

Quốc hội Mỹ cũng bắt đầu có những biện pháp để đối phó với mối lo ngại từ Trung Quốc. Hồi tháng 3, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida và Tom Cotton của bang Arkansas cùng với một số nghị sĩ đã đệ trình dự luật chống lại các chương trình tuyên truyền nước ngoài và các hoạt động gây ảnh hưởng tới chính trị nội bộ Mỹ.

Bầu không khí “căng như dây đàn” giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của những người Mỹ gốc Hoa, theo ông Frank Wu, Chủ tịch Ủy ban 100, một nhóm người Mỹ gốc Hoa có ảnh hưởng ở Mỹ.

Những khó khăn

Du khách Trung Quốc tại Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters)
Du khách Trung Quốc tại Mỹ (Ảnh minh họa: Reuters)

Ông Wu, cựu lãnh đạo tại trường cao đẳng luật Hastings, đại học California cho biết người Mỹ gốc Hoa thường phải đối mặt với câu hỏi lặp đi lặp lại: “Anh thật sự đến từ đâu” và luôn bị coi là người nước ngoài dù mang quốc tịch Mỹ.

“Nhất là đối với người Mỹ gốc Hoa, mọi người thường tò mò liệu bạn ở phe nào. Nếu bạn nói rằng tôi là người Mỹ, người ta không tin bạn. Mặc dù bạn có được sinh ra ở Mỹ, mặc dù gia đình bạn ở đây đây từ nhiều thế hệ trước, mọi người sẽ đều nhìn bạn và nghĩ thầm rằng bạn chắc hẳn là một đặc vụ nước ngoài không mấy tốt đẹp”, ông Wu nói.

“Làm sao chúng tôi có thể biết trong lòng bạn thực sự là người Mỹ? Có rất nhiều câu hỏi, ngờ vực, hoài nghi với người Mỹ gốc Hoa và nhóm đối tượng này phải nỗ lực hết sức mình để chứng tỏ bản thân”, ông Wu chia sẻ.

Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Trump có xu hướng hoài nghi tất cả những người gốc Hoa dù đó là người Mỹ gốc Hoa hay công dân Trung Quốc sinh sống tại Mỹ.

Một khảo sát gần đây của Pew Research Centre cho thấy cứ 10 người Mỹ thì chưa có tới 4 người nhìn nhận Trung Quốc với ánh mắt thiện cảm.

Yun Sun, chuyên gia Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định rằng mức độ căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chưa cao tới mức trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô nhưng nó đang dần phát triển theo hướng đó.

Theo SCMP, từ trước tới nay, Mỹ đã có xu hướng nghi kị người Trung Quốc bị buộc tội gián điệp kinh tế. Chỉ từ năm 2009 tới nay, con số người Mỹ gốc Hoa bị cáo buộc tội danh trên cao gấp 3 lần. Đã có nhiều vụ án gián điệp kinh tế liên quan tới người gốc gác Trung Quốc được đưa ra xét xử trong 20 năm qua.

Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, sự nghi kị của người Mỹ với những người gốc Hoa càng trở nên gay gắt hơn, nhất là với các đối tượng học giả và sinh viên Trung Quốc.

Politico đưa tin hồi tháng trước cho biết, trong một sự kiện riêng, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã cáo buộc một hoạt động thu hút các sinh viên Trung Quốc tham gia là hành vi gián điệp.

Ông Robert Daly, giám đốc viện Kissinger tại Trung Quốc và Mỹ của Trung tâm Wilson, cho biết ông rất cảm thông với người Trung Quốc đang học tập và làm việc ở Mỹ, nhưng nhấn mạnh rằng đây là một trong những hệ quả từ chính sách bành trướng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. “Dù chưa biết mục tiêu của Trung Quốc là gì, nhưng việc phải cảnh giác trước những mối đe dọa vẫn là điều cần thiết”, ông Daly lý giải.

Ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm quan hệ Trung Mỹ tại Hiệp hội châu Á ở New York cho biết chính sách kêu gọi người gốc Hoa góp sức “phục hưng” Trung Quốc của Bắc Kinh đã khiến cho những người vô can bị “bế tắc” không có đường thoát trong “làn đạn” căng thẳng Trung-Mỹ.

Mặc dù vậy, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng chính quan điểm “diều hâu” của chính quyền Tổng thống Trump, coi Bắc Kinh là “mối đe dọa an ninh và kinh tế” đã góp phần khiến cho người Mỹ có quan điểm không tích cực về Trung Quốc.

Đức Hoàng

Theo SCMP