Cựu chiến lược gia trưởng:
"Ông Trump quyết không lùi bước trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc"
(Dân trí) - Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump là đưa cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc tới mức “lớn chưa từng thấy”, “gây tổn thất lớn chưa từng có” cho Bắc Kinh và ông sẽ không lùi bước cho tới khi chiến thắng, cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon tiết lộ.
"Bắc Kinh bị bất ngờ"
Báo SCMP của Hong Kong ngày 22/9 đưa tin, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với báo này, ông Bannon, người bị sa thải hồi tháng 8/2017, cho biết mục đích của Tổng thống không chỉ là buộc Trung Quốc phải từ bỏ “các cách thức làm ăn thương mại không công bằng”, mà mục tiêu cuối cùng là “tái công nghiệp hóa nước Mỹ” vì sản xuất là cốt lõi sức mạnh của một quốc gia.
Tổng thống Trump cũng nhắm vào kế hoạch “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025” - một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bắt kịp với phương Tây trong 10 lĩnh vực công nghệ chủ chốt, cho rằng Trung Quốc đang dùng sự trợ giúp lớn của chính phủ để giảm sự phụ thuộc vào phương Tây cho công nghệ trong tương lai.
Ông Bannon, người khẳng định từng giúp Tổng thống Trump phác thảo kế hoạch chiến tranh thương mại, cho hay trước đây việc áp thuế được giới hạn đối với các hàng hóa nhập khẩu trị giá từ 10-30 tỷ USD, nhưng quy mô khủng lồ của gói hơn 500 tỷ lần này đã khiến Bắc Kinh bất ngờ.
“Nó không giống bất kỳ thuế suất nào. Đó là mức thuế suất ở quy mô và mức độ chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ”, ông Bannon nói.
Cựu quan chức Nhà Trắng nói thêm, Bắc Kinh đã dựa vào hết vòng đàm phán này tới vòng đàm phán khác để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng các chiến thuật trì hoãn này không có tác dụng.
“Họ luôn muốn có một cuộc đối thoại chiến lược để điều chỉnh các vấn đề. Họ không bao giờ tưởng tượng được rằng ai đó lại có thể làm thật điều đó”, ông Bannon nhấn mạnh.
Ông và Tổng thống Trump tin rằng Mỹ có thể thắng - và có các dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc cũng nhận thấy như vậy, vì vậy “nhiều quan chức Trung Quốc đã tận dụng tất cả các kênh” để mang tiền ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào đất động sản tại San Francisco, Los Angeles và Manhattan.
“Tại sao lại có sự kiểm soát chặt chẽ đối với đồng tiền Trung Quốc? Nếu không thì tất cả tiền sẽ chạy tới trung tâm Manhattan… Họ muốn mua các bất động sản ở Mỹ. Điều đó chứng tỏ họ rất thiếu niềm tin vào nền kinh tế của họ”, ông Bannon nói.
Thương mại là mối quan tâm nhất của ông Trump
Ông Bannon, người rời chính quyền sau 7 tháng tại vị đầy sóng gió, cho hay thương mại luôn là vấn đề hàng đầu trong chiến lược tranh cử của Tổng thống Trump. Các cuộc thảo luận đầu tiên về vấn đề này diễn ra 5 năm trước với ông Jeff Sessions, khi đó là thượng nghị sĩ và hiện là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ.
“Đây là nơi tôi và Jeff Sessions ngồi vào năm 2013 khi chúng tôi cố gắng tưởng tượng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 sẽ như thế nào”, ông Bannon nói từ ngôi nhà gần trụ sở quốc hội Mỹ tại Washington. “Chúng tôi đã xem thương mại là vấn đề hàng đầu, khi đó thương mại thậm chí không lọt vào top 100 vấn đề”.
Ông Trump và Bannon có mối quan hệ khá phức tạp. Mặc dù ông Trump đã sa thải ông Bannon hồi tháng 1 và chỉ trích ông tham gia vào cuốn sách gây tranh cãi về ông Trump của nhà báo Michael Wolff, Tổng thống Mỹ đã liên lạc trở lại với ông Bannon vào tháng 5. Ông Bannon cũng khẳng định ông và tổng thống hợp nhau về vấn đề thương mại.
Ông cho hay, không có nhiều sự khác biệt trong giới tinh hoa chính trị Mỹ - dù là Cộng hòa hay Dân chủ - về vấn đề thương mại quốc tế. Trong cuộc gặp đầu tiên với ông Trump vào năm 2015, cả hai đã nhất trí rằng tầng lớp có ảnh hưởng tại Washington và Wall Street có thể ngả theo Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại sắp tới.
Cả hai đã quyết định thay đổi hệ thống mại thương mại quốc tế để giảm đáng kể thâm hụt thương mại và Mỹ và tái công nghiệp hóa nước Mỹ, đặc biệt là các bang từng phát triển trước đây hiện bị suy thoái.
Ông Bannon nói ông và Tổng thống Trump sẽ “không bao giờ lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”, dù Tổng thống đã đoán trước được rằng chính sách cứng rắn của ông có thể đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước.
Ông cũng cáo buộc “giới tinh hoa phương Tây” bắt tay với Bắc Kinh để làm giàu. “Các nhà máy của chúng tôi đã bị chuyển tới đó. Wall Street đã có thu lợi. Sở hữu tư nhân đã có lời. Giờ đây Tổng thống Trump chú trọng ngăn trọng điều này”.
Ngoài áp các mức thuế suất chưa từng có, chính quyền Trump cũng có thể sử dụng khoản 301 của Luật hành động thương mại để gây sức ép với Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ và ngắn chặn Bắc Kinh buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Khoản 301 cho phép tổng thống Mỹ đáp trả bất kỳ hành động nào vi phạm một thỏa thuận thương mại quốc tế hoặc không hợp lý, vô lý hoặc phân biệt đối xử, và gây sức ép hoặc hạn chế thương mại của Mỹ.
Ông Bannon cho hay Washington có thể giữ lại một số một số phần quan trọng của chuỗi cung ứng với Trung Quốc khi cần, như nước này đã làm trong vụ việc của tập đoàn công nghệ Trung Quốc ZTE.
Hồi tháng 7, ông Trump đã cấm bán công nghệ Mỹ cho ZTE, khiến công ty này suýt phá sản và gần 100.000 việc làm tại Trung Quốc được trả lương cao gặp nguy hiểm, trước khi dỡ bỏ lệnh cấm.
“Điều quan trọng và người Trung Quốc phải nhớ vụ việc của ZTE. Chủ đề trung tâm “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025” là điều mà Trung Quốc đang cố gắng thoát ra khỏi chuỗi cung ứng của phương Tây. Trung Quốc rất đáng ngại ở chỗ đó. Chính phủ của họ không bao giờ nên để họ gặp phải một tình huống mà có sự hung hăng trong các chính sách thương mại”.
Nhưng nhưng cuối cùng, chiến tranh thương mại và thuế quan của Mỹ không chỉ là về kinh tế và tái xây dựng ngành chế tạo của Mỹ.
“Giới tinh hoa và báo chí đang cố gắng thuyết phục các bạn rằng việc các công ty và việc làm là định luật vật lý. Điều ngược lại mới đúng - hành động của con người đã gây ra điều đó. Nó có thể đảo ngược và sẽ được đảo ngược”.
“Thuế quan là về phẩm cách và niềm tự hào của con người. Không phải ai cũng muốn làm việc cho một công ty bảo hiểm”, ông Bannon nói.
An Bình
Theo SCMP