1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Người Lào đối mặt khó khăn chồng chất sau thảm họa vỡ đập

(Dân trí) - Lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để giải cứu những người còn sống sót trong nước lũ tại khu vực phía nam xa xôi của Lào - nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện khủng khiếp nhất sau hàng chục năm tại quốc gia này.

Người dân Lào sơ tán sau sự cố vỡ đập thủy điện

Người dân di chuyển trên đường ngập nước bùn tại khu vực xảy ra sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapeu (Ảnh: Reuters)
Người dân di chuyển trên đường ngập nước bùn tại khu vực xảy ra sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapeu (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, các binh sĩ Lào hôm nay 26/7 vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người còn sống sót tại khu vực phía nam hẻo lánh của Lào, 3 ngày sau khi công trình đập thủy điện bị vỡ khiến 0,5 tỷ m3 nước tràn xuống các ngôi làng ở khu vực hạ lưu tại tỉnh Attapeu. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng nhanh chóng chuyển đồ cứu trợ tới tay hàng nghìn người mất nhà cửa.

Quy mô thảm họa vỡ đập tại Lào cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, một phần bởi vì khu vực xảy ra sự cố là nơi khó tiếp cận. Trong khi đó, truyền thông đưa ra những thông tin không thống nhất về vụ việc này.

Hãng thông tấn Lào cho biết khoảng 26 người được xác nhận đã thiệt mạng và hơn 130 người bị mất tích sau khi đập bị vỡ vào tối 23/7. Cũng liên quan tới sự cố vỡ đập, Vientiane Times ngày 25/7 đưa tin hơn 3.000 người vẫn đang chờ được giải cứu giữa dòng nước lũ. Tuy nhiên, một ngày sau đó, tờ báo này dẫn lời Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói rằng chỉ một người được tìm thấy thiệt mạng, còn những người khác trú ẩn trên cây hoặc trên mái nhà đều đã được đưa đến nơi an toàn.

“Phát biểu của thủ tướng đã đính chính những thông tin sai lệch do nhiều hãng truyền thông đăng tải về số lượng người chết lớn hơn”, Vientiane Times đưa tin.

Báo cáo của Văn phòng Điều phối về các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết hệ thống đường sá và cầu đã bị hư hỏng và 8 ngôi làng bị ngập nặng sau khi xảy ra sự cố vỡ đập tại Attapeu. Theo báo cáo, chỉ có thuyền và trực thăng là hai phương tiện được dùng để vận chuyển tại các khu vực ngập lụt. Các trường học tại những khu vực an toàn đã được sử dụng làm các trung tâm sơ tán.

Các binh sĩ Lào dùng thuyền tiếp tế cho người dân bị ngập lụt (Ảnh: Reuters)
Các binh sĩ Lào dùng thuyền tiếp tế cho người dân bị ngập lụt (Ảnh: Reuters)

Khoảng 1.300 hộ gia đình cần lều bạt để làm nơi trú ẩn. Trên đường tới thị trấn nhỏ Sanamxai tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phóng viên của Reuters đã nhìn thấy các xe tải của Tổ chức cứu trợ Nhân dân Na Uy chở theo hàng cứu trợ, bao gồm nước sạch và chăn đệm, cho người dân Lào.

Phra Ajan Thanakorn, một nhà sư đang trên đường trở về từ Sanamxai, cho biết đã chuyển 4 xe tải lương thực và thuốc men từ thủ đô Vientiane, cách nơi xảy ra sự cố vỡ đập 800 km về phía bắc, để hỗ trợ người dân. Nhà sư đang quay trở lại Vientiane để nhận thêm hàng cứu trợ.

“Tình hình rất khó khăn. Tất cả nỗ lực cứu trợ đều đang dồn về Sanamxai. Các tình nguyện viên tiếp tế lương thực và thuốc men cho những người dân còn sống sót hàng ngày. Họ vẫn đang thiếu lương thực, thuốc men và quan tài”, nhà sư nói với Reuters.

Tại trường tiểu học Sanamxai, phóng viên của Reuters chứng kiến khoảng 100 người từ 7 ngôi làng đang được các bác sĩ, binh sĩ và cảnh sát Lào chăm sóc. Một trực thăng đã hạ cánh xuống bãi cỏ trong trường và 12 binh sĩ được nhìn thấy bước ra từ đó.

Một quan chức địa phương cho biết mực nước rút dần đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm những người còn sống sót. Các binh sĩ đã cứu hộ người dân bằng cách đi bộ hoặc sử dụng thuyền. Truyền thông nhà nước Lào cho biết một nhóm cứu hộ Lào và Trung Quốc đang trên đường tới Attapeu. Ngoài ra, các nước láng giềng cũng đang dốc sức giúp đỡ chính phủ Lào cứu trợ người dân và khắc phục hậu quả sau sự cố vỡ đập.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm