1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Indonesia bới rác tìm đồ ăn ở thành phố "chết chóc" sau thảm họa

(Dân trí) - Những người may mắn sống sót sau thảm họa động đất và sóng thần tại Indonesia đang phải cầm cự qua ngày bằng cách bới rác tại các nông trại hoặc trên cánh đồng trước khi hàng viện trợ từ chính phủ đến được với họ.

Nhân chứng kể khoảnh khắc đất hóa lỏng nuốt chửng người, nhà cửa ở Indonesia

Cảnh tượng đổ nát tại Palu, Indonesia sau thảm họa kép (Ảnh: New York Times)
Cảnh tượng đổ nát tại Palu, Indonesia sau thảm họa kép (Ảnh: New York Times)

Theo con số thống kê mới được công bố hôm 3/10, số người thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao tới 6m trên đảo Sulawesi vào cuối tuần trước đã tăng lên 1.407 người. Giới chức Indonesia lo ngại con số này sẽ tiếp tục tăng lên do nhiều khu vực hẻo lánh vẫn chưa thống kê hết thương vong. Trong khi đó, tại nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa kép, hệ thống thông tin liên lạc bị cắt đứt, những cây cầu và đường sá bị phá hủy hoặc bị chặn bởi sạt lở đất.

Johnny Lim, chủ một cửa hàng ở Donggala - nơi vừa hứng chịu thảm họa kép, cho biết những ngày vừa qua anh phải sống cầm cự nhờ những quả dừa.

“Đây là thành phố thây ma. Mọi thứ bị phá hủy. Không còn lại gì cả. Chúng tôi chỉ còn lại đôi chân này thôi. Không còn đồ ăn, không còn nước uống”, Lim nói qua điện thoại với Reuters.

Trẻ em ngồi ăn bên ngoài lều dựng tạm cho những người sơ tán sau động đất/sóng thần ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)
Trẻ em ngồi ăn bên ngoài lều dựng tạm cho những người sơ tán sau động đất/sóng thần ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Tại một khu vực khác ở Donggala, những người còn sống sau thảm họa kép buộc phải bới rác trên các cánh đồng hoặc những vườn cây ăn quả để tìm đồ ăn còn sót lại.

“Những gì giúp chúng tôi cầm cự bây giờ là đồ ăn nhặt được từ các nông trại và chia sẻ với nhau bất kể thứ gì mà chúng tôi tìm thấy như khoai tây hay chuối. Tại sao họ không thả hàng cứu trợ bằng trực thăng xuống?”, Ahmad Derajat, một người dân ở Donggala có nhà bị sóng thần cuốn trôi, nói.

“Tất cả mọi người đều tuyệt vọng khi tìm kiếm đồ ăn và nước uống. Không có lương thực, nước uống hay nhiên liệu. Chính phủ cũng không có mặt”, Lian Gogali, một nhân viên cứu hộ, nói.

Theo mô tả của Lian, tình hình tại Donggala đang rất khó khăn. Nhóm cứu trợ của Lian cũng chỉ đủ khả năng gửi một ít hàng cứu trợ tới cho người dân bằng xe máy. Donggala và Palu là hai khu vực chịu tác động trực tiếp của thảm họa kép, tuy nhiên đối với lực lượng cứu hộ việc tiếp cận Donggala gặp nhiều khó khăn hơn.

Đội cứu hộ vận chuyển túi đựng các thi thể nạn nhân sau thảm họa kép. (Ảnh: New York Times)
Đội cứu hộ vận chuyển túi đựng các thi thể nạn nhân sau thảm họa kép. (Ảnh: New York Times)

Mercy Corps, một nhóm cứu trợ có mặt tại Indonesia để giúp người dân sau thảm họa kép, cho biết việc thiếu nhiên liệu đã cản trở quá trình khắc phục hậu quả và vận chuyển hàng cứu trợ. Nhiều người đang khao khát nhận được sự trợ giúp, đặc biệt ở những nơi có hệ thống cầu đường bị phá hủy khiến việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn.

“Tình hình ở Palu vẫn nghiêm trọng. Đồ ăn và nước uống rất khan hiếm. Nhiều người nói với tôi rằng họ không có gì để ăn trong suốt nhiều ngày. Và đó là tình hình ở Palu - thành phố vẫn đang nhận được sự hỗ trợ”, Arianton, một thành viên của Mercy Corps, cho biết.

Sau nhiều ngày chờ hàng cứu trợ nhưng không thấy, Wasliha quyết định đi bộ để tìm trợ giúp. Cả gia đình cô đã đi qua nhiều ngọn núi trong hơn 10 giờ đồng hồ từ ngôi làng bị tàn phá ở Lolu Sigi Biromaru tới sân bay Palu. Wasliha nghe tin quân đội đã tới sân bay Palu và cô hy vọng có thể được đưa đi sơ tán tới nơi có hàng cứu trợ.

“Chúng tôi không có nước sạch hay đồ ăn. Tất cả những gì chúng tôi có là bộ quần áo chúng tôi đang mặc”, Wasliha nói.

Một phụ nữ cố tìm kiếm những đồ còn dùng được từ đống đổ nát sau thảm họa. (Ảnh: AFP)
Một phụ nữ cố tìm kiếm những đồ còn dùng được từ đống đổ nát sau thảm họa. (Ảnh: AFP)

Khi gặp nhóm phóng viên của BBC, các con của Wasliha đã uống lấy uống để những chai nước mà các phóng viên đưa cho. Chúng không được uống một giọt nước nào từ trước đó một ngày.

Giống như Wasliha, hàng trăm người đã xếp hàng ở sân bay Palu để chờ đi sơ tán. Tất cả đều muốn được đưa đi, thậm chí còn giận dữ nếu không được lên máy bay. Hầu hết người dân đều không thể chịu được việc tiếp tục sống trong cảnh mất điện và không có đồ ăn, nước uống.

Chờ hàng cứu trợ

Kinh hãi cảnh sóng thần tấn công thành phố biển của Indonesia

Những can nhựa được xếp thành hàng dài chờ lấy xăng tại một trạm xăng (Ảnh: AFP)
Những can nhựa được xếp thành hàng dài chờ lấy xăng tại một trạm xăng (Ảnh: AFP)

Ở ngoại ô Palu, dọc theo con đường chính chạy qua Donggala, những ngôi nhà ở gần biển bị sóng thần vùi dập hoàn toàn, trong khi những ngôi nhà phía trong cũng bị động đất tàn phá. Một số người dân ngồi trước đống đổ nát mà trước đây là nhà của họ. Những người khác đi xin đồ cứu trợ dọc đường.

Người dân phàn nàn rằng hàng cứu trợ không được phân phát công bằng khi phần lớn đều chỉ chuyển đến thành phố Palu thay vì tới các khu vực hẻo lánh hơn. Tại khu vực phía nam Donggala, một số thanh niên trẻ thậm chí còn “hung hãn” xin hàng cứu trợ từ những người lái xe máy chạy qua đường. Có người cho mì gói, có người cho nước uống hoặc cũng có người quyên tiền.

4 ngày sau thảm họa kép, các trung tâm y tế như bệnh viện Undata vẫn ở trong tình trạng lộn xộn và quá tải. Những bình ô xy và kim tiêm rải rác khắp lối vào bệnh viện trong khi các bệnh nhân nằm trên cáng dưới ánh sáng mặt trời để chờ tới lượt điều trị.

Bên ngoài một bệnh viện ở Palu (Ảnh: Getty)
Bên ngoài một bệnh viện ở Palu (Ảnh: Getty)

Tại khu vực đỗ xe của bệnh viện, hàng chục thi thể được bọc trong các túi xác nằm chồng chất lên nhau. Các tình nguyện viên và các binh sĩ hàng ngày vẫn vận chuyển các thi thể này tới nơi chôn cất tập thể.

Một số bác sĩ, y tá đeo găng tay cao su và rửa tay bằng cồn. Tuy nhiên cũng có những người chỉ sử dụng găng tay làm vườn, thậm chí để tay trần trong lúc làm việc. Theo bác sĩ Muhammad Sakti, khi thảm họa ập đến, các trang thiết bị và dụng cụ chưa kịp chuyển đến.

“Chúng tôi không thể làm việc được”, bác sĩ Sakti nói.

Các bác sĩ nói rằng phần lớn bệnh nhân đều bị chôn vùi bên dưới các tòa nhà đổ sập. Một số bị gãy xương, một số khác cần phải cắt bỏ các bộ phận. Những ca phẫu thuật cứu mạng sống sẽ được ưu tiên.

“Chúng tôi cần nhiên liệu, không chỉ cho bệnh viện mà cho tất cả mọi người. Chúng tôi cần điện, nước”, bác sĩ Sakti nói, thừa nhận rằng ông thực sự kiệt sức.

Cảnh sát Indonesia tuần tra để ngăn tình trạng lấy đồ tại các cửa hàng (Ảnh: AFP)
Cảnh sát Indonesia tuần tra để ngăn tình trạng lấy đồ tại các cửa hàng (Ảnh: AFP)

Tình trạng hỗn loạn đã xảy ra tại một số khu vực ở Palu khi người dân ngày càng tuyệt vọng và tìm mọi cách để cầm cự qua ngày trước khi hàng cứu trợ kịp đến tay họ. Nhiều người đã lao vào các cửa hàng để lấy đồ hoặc tập trung tại các trạm xăng để tích trữ nhiên liệu.

Đại tá Ida Dewa Agung Hadisaputra nói với AFP rằng các binh sĩ Indonesia được phép bắn những người bị phát hiện lấy trộm đồ từ các cửa hàng. Ông Ida cho biết mỗi xe chở hàng cứu trợ sẽ được 5 binh sĩ có vũ trang bảo vệ để tránh tình trạng bị cướp bóc trong lúc hỗn loạn.

“Họ đã tìm cách lấy đồ trong ngày đầu tiên, khi xăng và nước chưa có sẵn. Các cửa hàng cũng đóng cửa. Tình thế buộc họ phải hôi của như vậy. Chúng tôi có thể làm ngơ cho tình trạng đó trong ngày đầu tiên và ngày thứ hai bởi vì họ thực sự rất cần những thứ đó. Nhưng đến ngày thứ ba, họ bắt đầu lấy những thứ khác như thiết bị điện tử”, Đại tá Ida cho biết.

Thành Đạt

Tổng hợp