1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Video “đất hóa thành sông” cuốn trôi nhà cửa sau thảm họa ở Indonesia

(Dân trí) - Một đoạn video mới được công bố cho thấy mặt đất bất ngờ hóa lỏng như nước và cuốn trôi nhà cửa như một dòng sông sau thảm họa động đất và sóng thần ở Indonesia.

Video “đất hóa thành sông” cuốn trôi nhà cửa sau thảm họa ở Indonesia

Theo Guardian, đoạn video được quay tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia sau khi xảy ra thảm họa kép hôm 28/9. Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter kéo theo sóng thần cao tới 6m đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều khu vực ở Indonesia và cướp đi sinh mạng của hơn 1.300 người.

Những hình ảnh từ đoạn video cho thấy nhiều ngôi nhà bị đổ sập và cuốn trôi như đang ở trên mặt nước trong khi từng mảng đất bên dưới nứt ra và hóa lỏng. Theo các chuyên gia, hiện tượng đất hóa lỏng xảy ra khi một vùng đất ẩm bị rung chuyển bất ngờ như trong một trận động đất.

“Khi đất bị ẩm, khoảng cách giữa các hạt đất hoàn toàn là nước. Hiện tượng rung lắc địa chất đã làm tăng áp lực nước giữa các hạt đất khiến chúng không thể kết nối được với nhau, từ đó dẫn tới việc cả khối đất không còn giữ được sự rắn chắc và độ cứng”, Tiến sĩ Stavroula Kontoe tại Đại học Hoàng gia London cho biết.

Cảnh tượng tan hoang tại Indonesia sau thảm họa kép (Ảnh: Reuters)
Cảnh tượng tan hoang tại Indonesia sau thảm họa kép (Ảnh: Reuters)

Khi các hạt đất không đủ khả năng gắn kết với nhau nữa, đất sẽ bị mất đi cấu trúc vốn có và mang đặc tính như chất lỏng.

“Nói một cách đơn giản, khi hiện tượng hóa lỏng xảy ra, độ cứng của đất giảm xuống và khả năng giữ nền móng của các ngôi nhà và cây cầu cũng giảm theo”, Tiến sĩ Carmine Galasso tại Đại học London cho biết.

Theo Tiến sĩ Kontoe, đất tại một số khu vực sẽ có xu hướng dễ bị hóa lỏng hơn so với các khu vực khác. Bà Kontoe cho rằng sóng thần không liên quan tới hiện tượng đất hóa lỏng tại Indonesia mà nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do động đất.

“Khu vực đất được bồi đắp hay bờ sông, nơi thường chứa các lớp đất lỏng lẻo, là vị trí rất dễ xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng khi có rung lắc mạnh”, bà Kontoe cho biết.

Cũng theo Tiến sĩ Kontoe, không chỉ các ngôi nhà hay các công trình được xây dựng trên mặt đất mới bị ảnh hưởng bởi hiện tượng đất hóa lỏng mà các hệ thống ống dẫn trong lòng đất như ống nước sạch, nước thải hay khí đốt cũng bị tác động.

Người dân tranh nhau nhận gia cầm sống được phân phát từ xe cảnh sát ở bên ngoài trại sơ tán tại Palu. (Ảnh: AFP)
Người dân tranh nhau nhận gia cầm sống được phân phát từ xe cảnh sát ở bên ngoài trại sơ tán tại Palu. (Ảnh: AFP)

Indonesia không phải nơi đầu tiên chứng kiến hiện tượng đất hóa lỏng sau động đất. Hiện tượng này từng gây ra nhiều thiệt hại trên diện rộng cho Nhật Bản sau trận động đất vào năm 2011. Đất hóa lỏng cũng từng tàn phá New Zealand sau trận động đất vào năm 2011. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn có phương án hạn chế hiện tượng này.

“Có một số kỹ thuật có thể giúp hạn chế hoặc thậm chí ngăn chặn hệ quả của hiện tượng đất hóa lỏng. Những công nghệ này thường liên quan tới việc gia cố đất ở những khu vực dễ có nguy cơ xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng, hoặc có thể áp dụng các biện pháp thoát nước để ngăn cản sự gia tăng áp lực nước trong đất khi hiện tượng rung lắc mạnh xảy ra”, Toeesm sĩ Kontoe nhận định.

Tiến sĩ Galasso cũng cho rằng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ xảy ra hiện tượng đất hóa lỏng.

“Việc xây dựng các quy tắc và chuẩn mực xây dựng tại nhiều nước đòi hỏi các kỹ sư phải tính toán tác động của hiện tượng đất hóa lỏng trong quá trình thiết kế các tòa nhà hoặc công trình hạ tầng mới như cầu, đập”, ông Galasso cho biết.

Mức độ tàn phá của thảm họa kép tại Indonesia nhìn từ trên cao

Thành Đạt

Theo Guardian