Người Hawaii lo ngại sau vụ siêu núi lửa phun trào
(Dân trí) - Nham thạch từ vụ phun trào núi lửa Mauna Loa đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân trên Đảo Lớn tại Hawaii.
Sau khi hoạt động trở lại vào đêm 27/11 theo giờ địa phương, vụ phun trào núi lửa Mauna Loa đang để lại nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Theo AP, nham thạch từ vụ phun trào đang di chuyển với tốc độ nhanh hơn dự kiến và nhiều khả năng sẽ tràn ra các con đường cao tốc chính tại Đảo Lớn ở Hawaii vào đầu tuần tới.
Việc này khiến người dân trên Đảo Lớn cảm thấy lo sợ vì khả năng sẽ bị cô lập với thế giới. Một khi các đường cao tốc trên bị chặn, thời gian di chuyển của những dịch vụ thiết yếu có thể kéo dài thêm hàng giờ đồng hồ, gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân.
Nhà chức trách địa phương cho biết các cơ quan hành pháp hiện vẫn chủ động theo dõi tình hình. Một làn đường cao tốc dự phòng nhiều khả năng sẽ được mở lại để đề phòng trường hợp nham thạch ảnh hưởng đến giao thông trên Đảo Lớn.
Theo ghi nhận của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), núi lửa Mauna Loa trên quần đảo Hawaii phun trào trở lại đêm 27/11 theo giờ địa phương. Đây là lần phun trào đầu tiên của nó sau 38 năm.
USGS cảnh báo, gió có thể mang theo tro bụi đến các khu vực xung quanh song lần phun trào này không gây nguy hiểm cho cộng đồng dân cư dưới chân núi. Mặc dù vậy, USGS đã nâng mức cảnh báo núi lửa từ mức "thận trọng" lên "nghiêm trọng". USGS cho biết, tốc độ phun trào của núi lửa và dòng chảy dung nham có thể thay đổi đột ngột.
Cao 9km từ bề mặt đại dương, Mauna Loa là ngọn núi lửa lớn nhất trên Trái đất. Trong vụ phun trào năm 1950, dung nham từ núi lửa này kéo đến bờ biển Kona chỉ trong 3 giờ. Do đó, mọi người trên đường di chuyển của dung nham núi lửa có rất ít thời gian để sơ tán. Một vụ phun trào lớn khác của Mauna Loa xảy ra năm 1984.