Người đi gieo mầm “Giấc mơ Việt Nam”

Không trực tiếp cầm súng để bảo vệ tổ quốc trong chiến tranh nhưng ông Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản - đã có những hoạt động hết sức thiết thực đóng góp cho quê hương cả trong chiến tranh và thời bình.

Ông Nguyễn Trí Dũng (thứ 2 từ trái)

Ông Nguyễn Trí Dũng (thứ 2 từ trái)

"Tôi sinh ra trong chiến tranh và trưởng thành trong hòa bình. Vì thế, suy nghĩ của tôi về việc xây dựng quê hương trong chiến tranh và hòa bình là một chiến lược bền vững với sự thay đổi trong cách thức để phù hợp với từng hoàn cảnh" - doanh nhân kiều bào Trí Dũng chia sẻ.

Từ Tổng thư ký BEHEITO...

Rời Sài Gòn năm 1967 sau khi đạt học bổng của Chính phủ Nhật Bản, chàng thanh niên Nguyễn Trí Dũng khi đó tròn 19 tuổi. Là người quê gốc Quảng Bình, Trí Dũng theo gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp và trở thành một trong 3 học sinh giành được học bổng đi Nhật du học năm đó. Trí Dũng còn đồng thời giành được học bổng du học Mỹ nhưng ông đã chọn Nhật Bản, chỉ với lý tưởng rất giản đơn: Nhật Bản là nước châu Á nhưng phát triển hơn mình nhiều và nếu sang đó sẽ học được cách phù hợp để trở về xây dựng quê hương. Còn Mỹ lúc đó không chỉ là quốc gia xa xôi ở bên kia bán cầu mà còn là kẻ đang reo rắc bao đau thương cho đồng bào mình.

Ngay sau khi sang đến Nhật Bản, Trí Dũng đã hòa mình vào phong trào đấu tranh cho hòa bình và thống nhất đất nước, phản đối chiến tranh ở Việt Nam của các lưu học sinh Việt Nam tại đây tổ chức. Khi đó, có hai tổ chức hoạt động rất sôi nổi là BEHEIREN - Liên hiệp Nhật Bản vì hòa bình cho Việt Nam (với hội viên là cả sinh viên Nhật và sinh viên Việt Nam) và BEHEITO - Tổ chức tranh đấu cho hòa bình và thống nhất đất nước (với hội viên là các lưu học sinh Việt Nam).

Trí Dũng sang Nhật Bản được 1 năm thì ở quê nhà, chiến tranh diễn ra ác liệt hơn bao giờ hết. Khi đó, ông đã cùng các thành viên của BEHEITO tới chiếm Sứ quán của chính quyền Sài Gòn tại quận Shibuya và đốt hình của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhằm đưa ra thông điệp yêu cầu chấm dứt chiến tranh và thống nhất hai miền đất nước. Sau khi chiếm cứ Sứ quán một đêm thì nhóm BEHEITO rút đi.

Đến năm 1972, trải qua quá trình tham gia hoạt động đấu tranh sôi nổi tại Nhật, Nguyễn Trí Dũng được các hội viên tín nhiệm bầu làm Tổng Thư ký của BEHEITO cho đến khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông nhớ lại: "Đến đêm 30/4/1975, chúng tôi lại tổ chức chiếm lại Sứ quán Ngụy quyền Sài Gòn tại Nhật Bản một lần nữa nhằm bảo vệ tài sản cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Các thành viên BEHEITO bị cảnh sát Nhật bắt giam từ đêm 30/4 đến ngày 2/5 mới được thả ra vì lúc đó Chính phủ Nhật nhận thấy Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn. Nếu không giải phóng được hoàn toàn chắc cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác chứ không còn được ngồi ở đây ngày hôm nay".

Đến gieo mầm tư duy ở quê hương

Ông Nguyễn Trí Dũng tâm sự: "Những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh ở Việt Nam đang diễn ra ác liệt, nhiều anh em lưu học sinh Việt Nam ở bên đó muốn bỏ học để trở về Việt Nam cầm súng chiến đấu. Nhưng lúc đó, tôi lại nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng, trong khi đồng bào ở trong nước đang cầm súng chiến đấu thì trách nhiệm của những người được ra nước ngoài phải cầm một "khẩu súng" khác, đó là học tập thật tốt để mang kiến thức đó trở về xây dựng quê hương khi hòa bình.

Tháng 12/1975, Trí Dũng được Chính phủ VNDCCH mời về nước và ông đã đi xe lửa từ Bắc Kinh về Hà Nội. Là một người sinh ra tại miền Trung và lớn lên tại miền Nam trong những năm tháng đất nước bị chia cắt thì việc được đặt chân đến Hà Nội thực sự là điều mà chàng thanh niên này chưa từng hình dung tới. Sau đó, ông đi tàu vào TP. Hồ Chí Minh và đón cái Tết đầu tiên sau nhiều năm xa quê hương.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế kế lượng, Nguyễn Trí Dũng làm việc cho Liên Hợp Quốc và dành nhiều thời gian về Việt Nam để thực hiện các kế hoạch về giáo dục và đào tạo. Theo ông: "Một đất nước muốn phát triển thì phải giảm thiểu các lãng phí vô hình và mỗi tế bào của xã hội phải đầu tư tư duy của mình một cách hết sức nghiêm túc thì công việc mới đạt hiệu quả cao. Đối với một người kinh doanh, nếu lãng phí cơ hội thì tổn thất sẽ rất lớn. Một công ty muốn thành đạt bền vững thì phải có tư duy và chiến lược lâu dài".

Với quan điểm đó và những hiểu biết sâu sắc về thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam, Nguyễn Trí Dũng đã nảy sinh ý tưởng và triển khai Đề án “Giấc mơ Việt Nam” với phương châm xuyên suốt là vận động mỗi người Việt Nam đóng góp từ những việc làm nhỏ bé nhất nhưng có ý nghĩa để xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển bền vững, đàng hoàng dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc và khoa học công nghệ.

Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng khẳng định: Hầu như dân tộc nào cũng có tinh thần lá lành đùm lá rách, nhưng thứ rất giá trị mà người dân Nhật Bản có để trở nên mạnh mẽ hơn chính là sức mạnh tinh thần. Tôi xây dựng “Giấc mơ Việt Nam” vì tin rằng chúng ta sẽ làm được, làm tốt, thừa khả năng để làm, chỉ còn thiếu sự quyết tâm xây dựng tư duy “Giấc mơ Việt Nam”.

Theo Thiên Đức

TGVN