1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào?

Thanh Thành

(Dân trí) - Tết âm lịch hay Tết Nguyên đán được tổ chức tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, mỗi quốc gia có phong tục và truyền thống riêng, theo Yahoo News.

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 1

Mỗi quốc gia châu Á có cách đón Tết Nguyên đán khác nhau (Ảnh: Getty).

Hàn Quốc

Tết âm lịch được gọi là Seollal trong tiếng Hàn. Ở Hàn Quốc, Tết âm lịch là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất, đánh dấu sự chuyển giao của năm mới mà còn là dịp để người Hàn Quốc sum họp, và là dịp để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và những người lớn tuổi.

Trong ngày cuối cùng của năm, các gia đình Hàn Quốc cũng dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Buổi tối trước giao thừa, người Hàn Quốc thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục truyền thống hanbok hoặc những bộ quần áo đẹp nhất để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trẻ em thể hiện sự tôn trọng của mình với người lớn tuổi bằng cách cúi đầu sâu (được gọi là seh bae).

Đáp lại, trẻ em cũng nhận được tiền lì xì và lời chúc Năm mới.

Sau seh bae, mọi người ăn các món như mandu (bánh bao Hàn Quốc) và dduk-guk (súp bánh gạo cắt lát mỏng). Các món ăn ngày lễ khác bao gồm mandu-guk (súp bánh bao), galbijjim (sườn bò kho), japchae (mì thủy tinh) và ddeok (bánh gạo).

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 2

Đón Tết Seollah ở Hàn Quốc (Ảnh: Hi Asia).

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, Tết âm lịch tập trung vào đêm Giao thừa, khi các gia đình cùng nhau tề tựu bên nhau đánh dấu đón mừng năm mới. Phong tục truyền thống của người Trung Quốc là mặc quần áo mới, đeo nhẫn trong năm mới, thường là màu đỏ hoặc vàng.

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 3

Không khí đón Tết Nhâm dần ở Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Ở miền Bắc Trung Quốc, món ăn truyền thống trong Tết âm lịch được làm từ bột mì, như bánh kếp, mì và bánh bao. Các gia đình thường làm những món ăn này và bỏ vào trong bánh bao đồng tiền may mắn dành cho trẻ em. Bánh bao thường được ăn kèm với cá, vì nó tượng trưng cho sự dồi dào cho một năm sắp tới. Trên khắp Trung Quốc, các thành viên trong gia đình cũng tặng nhau những phong bao lì xì đỏ.

Vào dịp Tết, cũng có những điều được khuyên không nên làm như: mua giày mới, quét dọn nhà cửa... để không làm mất đi những điều may mắn đầu năm. Vì lý do đó, mọi người cũng không cắt tóc hay gội đầu vào dịp Tết.

Singapore

Tại Singapore, trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người có thể thưởng thức nhiều món ăn truyền thống khác nhau, từ bánh nếp đến bánh dứa và nian gao. Một thực phẩm khác mang tính chủ đạo là yusheng -  một món salad truyền thống đầy màu sắc, hấp dẫn với sự tổng hòa của các loại rau củ, quả tươi và những lát cá được xắt mỏng (cá hồi hay cá thu) chỉ có trong dịp Tết.

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 4

Yusheng - một món salad truyền thống đầy màu sắc trong dịp Tết Nguyên đán ở Singapore (Ảnh: Asia Society).

Những chiếc phong bì màu đỏ được trao cho nhau có khắc cụm từ "Fú" (có nghĩa là may mắn). Đây cũng là dịp để mọi người tỏ lòng thành kính đối với Đức phật bằng cách đến một ngôi chùa và thắp hương.

Lễ diễu hành Chingay, diễn ra hàng năm vào dịp Tết âm lịch, là một lễ kỷ niệm truyền thống ở nước này, trong đó thu hút nhiều thứ, từ những chiếc phao khổng lồ đến những vũ công sư tử. Lễ hội Tết Nguyên đán lớn nhất ở Singapore là lễ hội River Hongbao, được tổ chức tại các địa điểm khác nhau trên khắp đất nước mỗi năm.

Malaysia

Ở Malaysia, Tết Nguyên đán được coi là dịp chào đón mùa xuân và là dịp để các gia đình quây quần sum họp hàng năm. Tùy thuộc vào nhóm dân tộc, có một số ngày cụ thể để tổ chức lễ kỷ niệm. Ví dụ, Tết Hokkien được tổ chức vào ngày thứ 9 của Tết âm lịch.

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 5

Người dân mua sắm đồ trang trí Tết Nguyên đán tại một cửa hàng ở khu phố người Hoa, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia hôm 30/1 (Ảnh: Getty).

Yee sang là một món salad luôn có ở bàn ăn trong dịp Tết, vì nó tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Nian gao (bánh nếp), một loại bánh năm mới làm bằng bột gạo nếp, cũng rất phổ biến trong dịp Tết. Cam quýt tượng trưng cho sự may mắn và cũng có phong tục lì xì (được gọi là ang pow) được cho trẻ em và các thành viên chưa lập gia đình. Nhiều gia đình Phật tử mời những người múa lân đến nhà để giúp họ xua đuổi những linh hồn tà ma xấu.

Đài Loan

Ở Đài Loan, hầu hết mọi người đều về quê đón năm mới cùng gia đình. Ở hòn đảo này, Nian gao cũng là món ăn phổ biến nhất, tiếp theo là dứa. Việc không ăn hết cá và giữ lại một số thức ăn thừa trong các bữa ăn ngày lễ được coi là điều may mắn.

Hầu hết người Đài Loan dành thời gian cho gia đình và người lớn tuổi trong nhà của họ. Họ cũng tặng nhau những phong bao lì xì trong dịp này trong khi nhiều khu phố đốt pháo hoa.

Philippines

Khi đồng hồ điểm nửa đêm ở Philippines trong đêm giao thừa, trẻ em và người lớn nhảy lên vì vui sướng, vì người ta nói rằng điều đó sẽ giúp họ cao lớn hơn.

Lễ kỷ niệm truyền thống lớn nhất trong dịp Tết âm lịch được gọi là Media Noche, nơi các gia đình Philippines cùng nhau tổ chức tiệc vào lúc nửa đêm để kỷ niệm một năm thịnh vượng sắp tới. Trên bàn thường có đầy đủ các loại trái cây hình tròn vì hình dạng này tượng trưng cho sự may mắn.

Thực phẩm truyền thống là có các món gạo nếp, chẳng hạn như biko, bibingka và nian gao, vì nó được cho là giúp gắn kết các gia đình với nhau. Pancit (mì dài) cũng được thưởng thức để giúp mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ và may mắn cho năm sắp tới.

Một trong những điều nên làm trong dịp Tết Nguyên đán ở Philippines là mặc trang phục chấm bi, vì hình tròn của chúng tượng trưng cho sự thịnh vượng, tiền bạc và may mắn. Người dân cũng đốt pháo hoa để tạo ra tiếng động lớn, xua đuổi bất kỳ linh hồn xấu nào, đồng thời bật đèn và mở cửa sổ và cửa ra vào. Và mọi người được khuyên là không tiêu tiền vào ngày đầu năm.

Thái Lan

Người châu Á đón Tết âm lịch thế nào? - 6

Múa lân chào năm mới Nhâm Dần 2022 ở Thái Lan (Ảnh: AFP).

Tết âm lịch (tiếng Thái là Wan Trut Jin) là dịp lễ quan trọng ở Thái Lan, chỉ sau Tết cổ truyền Songkran. Tết được tổ chức khắp cả nước, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều người gốc Hoa sinh sống.

Người Thái Lan thường chi nhiều tiền sắm Tết, nhưng khảo sát gần đây cho thấy mức chi tiêu Tết năm nay ở nước này có thể thấp nhất trong 11 năm, do diễn biến phức tạp của Covid-19. Trước đại dịch Covid-19, các cộng đồng người Hoa ở Bangkok sẽ sôi động với âm nhạc, khiêu vũ và những chiếc đèn lồng được chiếu sáng lộng lẫy khiến bầu trời đỏ rực trong lễ hội Tết.

Mặc dù thực tế là các lễ kỷ niệm lớn bị cấm trong năm nay để tránh lây nhiễm Covid-19, các gia đình vẫn tiếp tục thực hiện các nghi lễ của họ. Một số nghi lễ bao gồm tặng quà lẫn nhau, bữa tối đoàn viên gia đình và trang trí mọi thứ màu đỏ.

Phong bì lì xì thường được cha mẹ hoặc người lớn tuổi tặng cho trẻ em và người chưa lập gia đình. Phong bao đỏ còn được gọi là "tiền để xua đuổi linh hồn xấu".

Indonesia

Dù là quốc gia có đông dân số Hồi giáo nhất thế giới, nhiều người Indonesia vẫn đón Tết âm lịch. Đối với người Indonesia, Tết không chỉ là lễ hội kết hợp giữa văn hóa Java - Trung Hoa mà còn là biểu hiện của lòng khoan dung và sự hòa hợp dân tộc.

Ngày nay, cứ vào dịp đầu năm mới, người Indonesia, người Trung Quốc và người Indonesia gốc Hoa lại tưng bừng tổ chức lễ hội Tết âm lịch, nổi bật nhất là tại thành phố Solo.

Theo Indonesia Pod, vào dịp Tết Nguyên đán, người dân ở Indonesia lại hối hả dọn dẹp nhà cửa và mua sắm hoa, đèn lồng, câu đối… để trang trí. Doanh số bán nhang đèn, nến, đèn lồng và đồ trang trí có màu sắc rực rỡ ở Indonesia trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường.