1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Nhật Bản quan ngại tình hình Biển Đông “xấu đi theo từng năm”

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono quan ngại rằng tình hình tại Biển Đông “xấu đi theo từng năm”, phát biểu dường như ngầm ám chỉ hoạt động quân sự hóa phi pháp tại khu vực của Trung Quốc, truyền thông Tokyo đưa tin.

Ngoại trưởng Nhật Bản quan ngại tình hình Biển Đông “xấu đi theo từng năm” - 1

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono  (Ảnh: Nikkei)

Theo Nippon, trong khuôn khổ cuộc họp ngày 1/8 với ngoại trưởng các nước ASEAN, Ngoại trưởng Taro Kono đã chia sẻ mối quan ngại về tình hình Biển Đông, dường như ngầm ám chỉ việc Trung Quốc bồi đắp, quân sự hóa tại khu vực đi ngược lại pháp luật quốc tế.

Kyodo dẫn một nguồn tin cho biết ông Kono nhận định rằng tình hình tại khu vực này “tệ đi theo từng năm” và Nhật Bản chia sẻ mối lo ngại này với các quốc gia ASEAN.

Trong cuộc họp, ông Kono kêu gọi các quốc gia liên quan nỗ lực trong việc bảo đảm một giải pháp hòa bình cho khu vực và kêu gọi phi quân sự hóa vùng biển này. Theo Kyodo, ông Kono không ám chỉ đích danh một quốc gia nào trong phát biểu.

Liên quan tới bộ quy tắc ứng xử mà ASEAN và Trung Quốc đang soạn thảo nhằm ngăn chặn kịch bản đối đầu trong khu vực, ông Kono hy vọng rằng những biện pháp này sẽ đóng góp vào việc xây dựng một khu vực Biển Đông hòa bình và cởi mở.

Ngày 31/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tại Bangkok, Thái Lan đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập tới vấn đề Biển Đông.

Tuyên bố cho biết “một số bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại về hành vi cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin và sự tin tưởng, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.

Tuyên bố không đề cập tới tên của bất kỳ quốc gia cụ thể nào, song kêu gọi “các nước có tuyên bố chủ quyền cũng như các quốc gia khác không quân sự hóa và kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động” tại Biển Đông.

Các ngoại trưởng thống nhất về sự cần thiết của việc tăng cường lòng tin, kiềm chế các hành động có thể khiến tình hình thêm phức tạp, cũng như tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo khuôn khổ luật quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

Đức Hoàng

Theo Nippon, Kyodo