1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine sẽ gia nhập NATO

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington muốn Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Moscow và gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine sẽ gia nhập NATO - 1

(Từ trái qua phải) Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Anh David Lammy tham dự cuộc họp ba bên vào ngày 11/9 tại Kiev (Ảnh: Reuters).

"Tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7, chúng tôi tuyên bố rằng con đường gia nhập NATO của Ukraine là không thể đảo ngược", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố hôm 11/9, đồng thời nhắc lại rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đã "thành lập một bộ chỉ huy chuyên hỗ trợ tư cách thành viên của Ukraine".

Theo ông Blinken, Mỹ muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga và gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Blinken đang có chuyến thăm thủ đô Kiev của Ukraine cùng người đồng cấp Anh David Lammy nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Anh - Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ông Blinken đã từng đưa ra quan điểm về tư cách thành viên NATO của Ukraine trước đây. Tuy nhiên, khối này đã chính thức tuyên bố, cả tại Washington vào mùa hè năm nay và năm ngoái tại Lithuania, rằng điều này chỉ có thể xảy ra "khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng".

Hungary và Slovakia tuyên bố sẽ không đồng ý trong bất kỳ trường hợp nào, vì việc đưa Ukraine vào NATO sẽ đồng nghĩa với xung đột với Nga.

Trong bài phát biểu tại Kiev, Ngoại trưởng Blinken đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng về ngành công nghiệp quân sự của Ukraine, tuyên bố rằng ngành này đã mở rộng gấp 6 lần trong năm qua.

"Trong những năm tới, điều đó sẽ mang lại cho Ukraine một trong những ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất thế giới, có thể đưa ngành này ra thị trường toàn cầu và giành thị phần toàn cầu từ các quốc gia khác như Nga, đồng thời cung cấp cho các đồng minh NATO", ông nói thêm.

Kiev hiện phụ thuộc hoàn toàn vào phương Tây về vũ khí, thiết bị, đạn dược, thậm chí cả tiền mặt để duy trì hoạt động.

Ukraine cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trên diện rộng, vì các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã làm suy giảm năng lực sản xuất điện.

Ngoại trưởng Blinken đã tuyên bố hôm 11/9 rằng, Mỹ sẽ gửi 325 triệu USD giúp sửa chữa lưới điện của Ukraine và cung cấp máy phát điện dự phòng khẩn cấp cho cơ sở hạ tầng quan trọng.

290 triệu USD khác được chi cho "các chương trình thực phẩm, nước, nơi trú ẩn, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho người dân Ukraine" trong nước và nước ngoài, trong khi 102 triệu USD còn lại được dành cho việc gỡ bỏ bom mìn.

"Điểm mấu chốt là: Chúng tôi muốn Ukraine chiến thắng", ông Blinken tuyên bố.

Điều này cũng được các quan chức phương Tây tuyên bố trước đây, như một điều kiện tiên quyết để Kiev trở thành thành viên NATO.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hồi tháng 6 nói rằng, việc NATO ra điều kiện trên đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ không bao giờ có khả năng gia nhập khối này.

Theo quan chức Nga, tuyên bố năm 2008 của NATO về tư cách thành viên của Ukraine "đã trở thành ngòi nổ cho phần lớn toàn bộ cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay".

"Nếu các thành viên NATO lại sẵn sàng rơi vào cái bẫy tương tự và lịch sử không để lại cho họ điều gì, họ sẽ lại bị tấn công và vết thương của họ sẽ tệ hơn", ông Ryabkov cảnh báo.

Ukraine từ lâu đã theo đuổi mục tiêu trở thành thành viên của liên minh NATO. Kiev thậm chí đưa điều này vào Hiến pháp. Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022, 7 tháng sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Moscow coi việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga là một mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ý định gia nhập khối của Ukraine là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột. Moscow cũng cho rằng tính trung lập của Kiev là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững với nước láng giềng.

Theo RT