1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ngoại trưởng Mỹ tới London bàn đối sách cho khủng hoảng Ukraine

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay (14/3) đã có mặt tại London để hội đàm với người đồng cấp phía Nga, trong nỗ lực ở phút chót nhằm hạ nhiệt tình hình căng thẳng đang leo thang tại bán đảo Crimea của Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại London sáng 14/3
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại London sáng 14/3

Các quan chức phương Tây hiện tin rằng có ít cơ hội trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật này tại Crimea, để quyết định liệu bán đảo này có gia nhập liên bang Nga hay không. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Phương Tây cũng nói rằng, có thể vẫn còn một cơ hội đề bàn thảo giải pháp chính trị nếu Nga ngừng bước đi tiếp theo là chính thức sáp nhập Crimea.

“Chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội cho giải pháp ngoại giao”, một quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Mỹ khẳng định khi được hỏi về cuộc gặp giữa ông Kerry và Ngoại trưởng Nga Lavrov. “Điều chúng tôi muốn thấy là một sự cam kết chấm dứt tạo ra những tình huống mới trên thực địa, và cam kết tham gia một cách nghiêm túc vào các giải pháp hạ nhiệt xung đột”.

Đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy điện Kremlin sẵn sàng đi theo “lối thoát” mà chính quyền Tổng thống Obama liên tục đề xuất. Trong một văn bản gửi tới Bộ ngoại giao Mỹ tối thứ Hai, Mátxcơva không cho thấy tín hiệu nào về sự linh hoạt khi tranh luận rằng việc Crimea tách khỏi Ukraine cũng hợp pháp như khi Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia, sự kiện Mỹ từng hậu thuẫn.

Trong một động thái cứng rắn khác, Nga trong tuần này đã tiến hành tập trận chớp nhoáng với sự tham gia của hàng nghìn binh sỹ gần biên giới với Ukraine. “Đó là ít nhất là một sự ép buộc chính trị”, một quan chức phương Tây giấu tên nói.

Ngoài ra cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn lính Nga đang được điều động tới các thành phố phía Đông Ukraine như Kharkiv, Lugansk và Donetsk dưới sự giám sát của các sỹ quan tình báo Nga, vị quan chức trên cho biết thêm.

Một câu hỏi lớn của Mỹ và các đồng minh lúc này đó là liệu Nga chỉ muốn bảo vệ các lợi ích của mình tại Crimea, hay đây là bước đi đầu tiên trong chiến dịch làm suy yếu chính phủ mới tại Ukraine, và ảnh hưởng của Kiev đối với vùng lãnh thổ phía Đông.

Trong số những công việc hàng đầu ông Kerry phải làm trong cuộc gặp với ông Lavrov hôm nay, theo quan chức ngoại giao Mỹ, có việc đề nghị Nga hoãn cuộc trưng cầu dân ý. Dù vậy hầu hết các chuyên gia đều không kỳ vọng vào điều này, bởi Mátxcơva chính là bên thúc đẩy việc dàn xếp cuộc bỏ phiếu này. Ông Kerry hồi đầu tuần cũng phát đi tín hiệu rằng ông sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao hậu trưng cầu dân ý nếu Nga không chính thức sáp nhập Crimea.

Thanh Tùng
Theo NY Times