Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi “không áp bức” ở Biển Đông
(Dân trí) - Ngay trước cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì vào chiều nay, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giải quyêt bất đồng theo cách “không áp bức”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bắt tay người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton tại phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, bên lề Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45, tại Campuchia ngày 12/7.
Các quốc gia nên “giải quyết bất đồng không có áp bức, không dọa dẫm, không đe dọa và không dùng vũ lực”, bà cho biết trong bản thông cáo tại diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đang diễn ra ở Campuchia.
Tuyên bố trên của bà Clinton được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông tăng cao, khi Trung Quốc có hàng loạt động thái ngang ngược tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia trong ASEAN, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Bà Clinton dự kiến sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bên lề diễn đàn vào chiều nay, một ngày sau khi Bắc Kinh và Tokyo lời qua tiếng lại trong vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo khác ở Hoa Đông.
Phác thảo lợi ích của Mỹ ở Biển Đông trong những từ như “tự do hàng hải…hòa bình và ổn định”, bà Clinton cam kết nói thêm về vấn đề này trong cuối ngày hôm nay, khi nhiều nước trong khu vực sẵn sàng ủng hộ cho bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC.
Vùng giàu tài nguyên Biển Đông cũng là tuyến đường hảng hải quan trọng của thế giới. Nhiều nước trong ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, có chủ quyền ở Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.
Trung Quốc cho biết nước này đã chuẩn bị đàm phán về bộ quy tắc ứng xử để thúc đẩy lòng tin. Tuy nhiên nước này muốn giải quyết các tranh chấp lãnh thổ song phương – cách thức đàm phán mà nhiều người cho rằng chắc chắn là để Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của mình gây khó với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Bà Clinton ủng hộ việc giải quyết song phương “ở những vấn đề có thể” nhưng mạnh mẽ cảnh báo các cuộc đàm phán song phương ở các vấn đề rộng lớn hơn như tuyến đường biển và quyền đối với các nguồn tài nguyên có thể “sẽ là phương thức gây ra sự lộn xộn và thậm chí là đối đầu”.
Vũ Quý
Theo AFP