Việt-Trung đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp biển
(Dân trí) - Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM45) tại Phnom Penh, Campuchia, chiều 11/7, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì đã khẳng định giải quyết mọi bất đồng trên biển thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị.
Hai bên đã trao đổi ý kiến về quan hệ hai nước thời gian qua, các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong thời gian tới cũng như tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, hai bên khẳng định coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, cho rằng quan hệ hai nước phát triển lành mạnh ổn định, hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả là phù hợp với lợi ích chung căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Hai bên nhất trí cho rằng, trong thời gian tới hai bên cần tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường trao đổi và tiếp xúc cấp cao; thúc đẩy giao lưu hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, nhất là giữa các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại cũng như thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải... Hai Bộ trưởng nhất trí cho rằng trong thời gian tới hai Bộ Ngoại giao cần tiếp tục tăng cường phối hợp, đóng góp thiết thực và hiệu quả đối với hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực nói trên.
Về vấn đề trên biển, hai bên khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng và quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại của Việt Nam đối với những diễn biến phức tạp gần đây tại Biển Đông, phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa và việc công khai mời thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; khẳng định phải tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
PV