Ngoại trưởng Mỹ: "Biển Đông không phải đế chế hàng hải của Trung Quốc"
(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25/7 đã khẳng định chính sách của Washington tại Biển Đông là rất rõ ràng rằng khu vực này không phải là “đế chế hàng hải của Trung Quốc”.
Trong thông điệp viết trên Twitter, ông Pompeo cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế và các quốc gia tự do không làm gì cả, lịch sử cho thấy Trung Quốc sẽ “chiếm thêm lãnh thổ”. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định tranh chấp tại vùng biển phải được xử lý thông qua luật quốc tế.
Bình luận trên ông Pompeo được đưa ra sau khi Mỹ hồi giữa tháng đã chính thức khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là phi pháp.
“Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo ngày 13/7 nhấn mạnh.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang dồn dập trong thời gian qua với hàng loạt vấn đề mâu thuẫn từ cách chống dịch Covid-19, vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Biển Đông…
Mỹ gia tăng điều động máy bay “mắt thần” tới gần Trung Quốc
Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, Tổ chức Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở ở Bắc Kinh cho hay Mỹ trong tháng qua đã gia tăng kỷ lục hoạt động trinh sát trên Biển Đông và gần Trung Quốc.
Chỉ trong tuần trước, các máy bay giám sát E-8C của không quân Mỹ đã xuất hiện ở khu vực cách hơn 100 hải lý so với bờ biển phía nam của tỉnh Quảng Đông trong 4 lần riêng biệt.
Hồi giữa tuần, SCSPI đã tung ra một đoạn ghi âm được cho là lời cảnh báo của Trung Quốc với máy bay quân sự Mỹ. Hiện chưa rõ, máy bay nào của Mỹ đã tham gia nhiệm vụ trên, nhưng “chim sắt” này được cho đã bay gần bờ biển phía nam Trung Quốc.
Theo SCSPI, quân đội Mỹ đang điều động từ 3-5 máy bay trinh sát mỗi ngày tới Biển Đông. Trong nửa đầu năm 2020, Mỹ đã điều động các máy bay hoạt động với tần suất cao hơn, nhiệm vụ đa dạng hơn và khoảng cách gần hơn. SCSPI kết luận hoạt động trinh sát trên không của Mỹ tại Biển Đông được cho đã “bước vào giai đoạn mới”.
Từ tháng 4, các máy bay Mỹ được cho đã tiếp cận gần không phận Trung Quốc nhiều lần, theo SCSPI. Tổ chức trên nói rằng các máy bay Mỹ làm nhiệm vụ thông thường bay cách đất liền đại lục 50-60 hải lý. Trong 3 tuần đầu tháng 7, Mỹ triển khai kỷ lục 50 nhiệm vụ bay giám sát Biển Đông.
Trong những ngày cao điểm, SCSPI ghi nhận sự xuất hiện của khoảng 8 máy bay Mỹ gồm các loại như P-8A, EP-3E, RC-135W và KC-135 thực hiện nhiệm vụ trên Biển Đông hoặc gần Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng tăng cường hoạt động tập trận ở Biển Đông trong thời gian qua. Hôm 4/7 và 17/7, hai tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng 2 nhóm tác chiến đã diễn tập chung.
Theo ông Hu Bo, giám đốc SCSPI, hoạt động của máy bay Mỹ khi thực hiện các nhiệm vụ Biển Đông được cho bao gồm tuần tra chống tàu ngầm, thu thập tín hiệu thông tin liên lạc, phát hiện tần số radar. Mục tiêu của các hoạt động này được xem là nhằm thu thập dữ liệu về thiết bị của quân đội Trung Quốc.