1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Khẩu chiến” Biển Đông thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung

Thành Đạt

(Dân trí) - Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông đã bùng phát thành cuộc “khẩu chiến” trên mạng xã hội khi các bên liên tục công kích lẫn nhau.

“Khẩu chiến” Biển Đông thổi bùng căng thẳng Mỹ - Trung - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Reuters)

Sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đưa ra tuyên bố lập trường chính thức, trong đó bác bỏ phần lớn yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông, các đại sứ quán Mỹ tại khu vực  Đông Nam Á cũng đưa ra hàng loạt tuyên bố và phân tích chưa từng có tiền lệ với nội dung chỉ trích các động thái của Bắc Kinh.

Phản ứng đáp trả của Trung Quốc cũng rất mạnh mẽ. Bắc Kinh cáo buộc Washington “xúc phạm Trung Quốc bằng những ngôn từ không đúng sự thật nhằm đánh lạc hướng dư luận” trong khu vực.

“Chúng ta đang ở trong một trận chiến. Đó sẽ là một cuộc chơi lâu dài”, Renato de Castro, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Albert Del Rosario ở Philippines, nói.

Một tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Bắc Kinh ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền đối với 90% diện tích vùng biển giàu tài nguyên này, là “hoàn toàn phi pháp”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh tìm cách xây dựng “đế chế hàng hải”.

Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, các đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Campuchia cũng đăng tải hàng loạt bình luận trên mạng xã hội Facebook và trong các bài xã luận trên truyền thông địa phương, chỉ trích hành động của Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng.

Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan còn cáo buộc các con đập Trung Quốc giữ nước sông Mekong gây ra tình trạng hạn hán vào năm ngoái.

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar ngày 18/7 ra tuyên bố gọi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần của “chiến dịch lớn nhằm phá hoại chủ quyền của các nước láng giềng". 

Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar cũng cho rằng có sự tương đồng giữa các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông với hành vi can thiệp của Trung Quốc tại Myanamar, bao gồm các khoản đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào Myanmar mà Mỹ cảnh báo có nguy cơ trở thành bẫy nợ, cùng việc buôn bán phụ nữ từ Myanmar sang Trung Quốc làm cô dâu và buôn bán ma túy từ Trung Quốc vào Myanmar.

"Đây là cách chủ quyền hiện đại thường bị mất, không phải thông qua những hành động kịch tính công khai, mà thông qua một loạt hành động nhỏ hơn dẫn đến xói mòn theo thời gian", đại sứ quán Mỹ cảnh báo.

Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan cáo buộc Mỹ “tìm cách gieo rắc sự chia rẽ giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác”.

Trong bài viết trên Facebook với 2 lần chỉ trích Mỹ là “bẩn thỉu”, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết các cơ quan của Mỹ ở nước ngoài đang làm "những điều đáng ghê tởm" để kiềm chế Trung Quốc và thể hiện "bộ mặt ích kỷ, đạo đức giả, đáng khinh và xấu xí".

Theo Đại sứ quán Trung Quốc, tuyên bố của Mỹ thể hiện thái độ đố kỵ đối với "mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar ngày càng tốt đẹp". Bắc Kinh cho rằng đây "lại là một trò hề của giới chức Mỹ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước và tìm kiếm lợi ích chính trị ích kỷ".

Những tuyên bố qua lại trên đã thu hút hàng nghìn bình luận trên mạng xã hội. Nhiều người công kích Trung Quốc nhưng cũng nghi ngờ động cơ của cả hai bên.

“Cảm ơn Mỹ vì đã làm những gì luật pháp yêu cầu”, tài khoản Chelly Ocampo bình luận bên dưới bài viết của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines trên Facebook.

Sau khi một số tài khoản viết trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia rằng: “Đế quốc Mỹ hãy về nhà đi!”, các nhà ngoại giao Mỹ đáp lại rằng: “Các bạn đang nói rằng các bạn hài lòng với chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc tại Biển Đông sao?”.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết chính Mỹ đã “đưa ra trước những bình luận nhằm công kích và lên án Trung Quốc”. Do vậy, các nhà ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng giải thích và bác bỏ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17/7 chỉ trích Mỹ "kiên quyết” theo đuổi chính sách “Nước Mỹ là trên hết”, đẩy “chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt đến giới hạn". Ông Vương Nghị cho rằng Mỹ "thực sự mất trí, đạo đức và uy tín" khi "sử dụng những biện pháp cực đoan, thậm chí tạo ra các điểm nóng đối đầu trong các mối quan hệ quốc tế".

Giới phân tích nhận định cuộc “khẩu chiến” gần đây đã cho thấy chiến thuật mới của ngoại giao Mỹ trong khu vực.

Theo Sebastian Strangio, tác giả một cuốn sách sắp xuất bản về ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, các tuyên bố của Mỹ nhằm gắn vấn đề Biển Đông với mối lo ngại của các nước trong khu vực, từ đó “mô tả Trung Quốc như một mối đe dọa đáng ngờ đối với chủ quyền của các nước Đông Nam Á”.

Trong khi đó, theo ông Strangio, phản ứng của Trung Quốc phù hợp với chiến thuật “ngoại giao Chiến binh sói hung hăng” của Bắc Kinh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Thuật ngữ “Chiến binh sói” dựa trên một bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc nhằm thể hiện chính sách cứng rắn của Bắc Kinh.

Căng thẳng trên Biển Đông ngày càng trở nên rõ rệt hơn, khi hải quân Mỹ và Trung Quốc liên tục tập trận song song ở vùng biển này trong thời gian gần đây.

Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, cho rằng Trung Quốc “không muốn để Mỹ giành được lợi thế đáng kể trong việc xoay chuyển dư luận khu vực”.

“Ít nhất một số chính phủ Đông Nam Á có thể bí mật, nếu không muốn công khai, hoan nghênh tuyên bố mới nhất của ông Pompeo, từ đó có thể có thêm động lực để hạn chế các hành động ở vùng biển tranh chấp”, chuyên gia Lean nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm