Ngoại trưởng Lavrov nói "Ukraine không muốn hòa bình"
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang vận hành trong tư duy thời chiến và thiếu ý chí muốn hòa bình.
"Chúng ta phải xác định rằng chính quyền ông Zelensky không có bất kỳ ý muốn hòa bình nào. Các đại diện của họ đang suy nghĩ trong khuôn khổ thời chiến và sử dụng những lời lẽ khá hung hăng", nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói với TASS ngày 28/12.
"Không thể có sự ngừng chiến vì phía họ. Lệnh cấm đàm phán với lãnh đạo Nga mà ông Zelensky đưa ra ngày 30/9/2022 vẫn có hiệu lực", ông Lavrov nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh rằng phía Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine. Dù vậy, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng Ukraine "đã công khai tuyên bố rời khỏi quá trình đàm phán" vào mùa xuân năm 2022.
Trước đó, ông Lavrov cho rằng, Kiev càng trì hoãn đàm phán thì càng khó đạt được thỏa thuận. Theo Ngoại trưởng Nga, bước đầu tiên trong tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine cần phải là việc ông Zelensky dỡ bỏ lệnh cấm đối thoại với Moscow.
Ngoại trưởng Lavrov còn cho rằng hầu hết chính phủ các nước mà Moscow cho là không thân thiện vẫn đặt ưu tiên hàng đầu là gây ra "thất bại chiến lược cho Nga trên chiến trường".
Các nhà lãnh đạo phương Tây từng cam kết hỗ trợ Kiev "tới khi nào cần thiết". Sau khi nhận được trang bị vũ khí của phương Tây trong năm nay, lực lượng Ukraine đã mở cuộc phản công nhằm xuyên thủng tuyến phòng ngự của Nga nhưng không đạt được bước tiến như kỳ vọng.
Ukraine đang đối mặt tình hình khó khăn trong bối cảnh Quốc hội Mỹ chưa thể nhất trí về gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Kiev mà Nhà Trắng đề xuất. Các đảng viên Cộng hòa chặn gói viện trợ này nhằm yêu cầu đảng Dân chủ nhượng bộ về vấn đề cải cách quy định nhập cư.
Trong khi đó, tại EU, Hungary đã phủ quyết kế hoạch hỗ trợ hàng chục tỷ euro cho Ukraine của Brussels. Dù vậy, các nước EU đang tìm cách qua mặt Budapest để đưa viện trợ cho Ukraine.
Ngày 27/12, Politico dẫn các nguồn thạo tin ẩn danh cho biết phương Tây đã âm thầm từ bỏ mục tiêu giúp Ukraine đạt "chiến thắng toàn diện" trước Nga - tức là đẩy lùi binh sĩ Nga ra khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận.
Thay vào đó, quan chức Mỹ, EU và cũng chính phía Ukraine đang bàn về việc tăng cường phòng thủ sau cuộc phản công chưa như kỳ vọng, bào mòn lực lượng Nga để có thể củng cố vị thế đàm phán trong tương lai.
"Đó là lý luận xuyên suốt của chúng tôi: Cách duy nhất để chiến sự cuối cùng kết thúc là thông qua đàm phán. Chúng tôi muốn Ukraine có được vị thế mạnh mẽ nhất có thể khi điều đó tới", một người phát ngôn Nhà Trắng giấu tên nói với Politico.
Tuy nhiên, người phát ngôn ẩn danh nhấn mạnh rằng hiện chưa có dự định về đàm phán và lực lượng Ukraine vẫn đang tấn công ở nhiều nơi.
"Chúng tôi muốn họ có vị thế mạnh hơn để giữ vững lãnh thổ của mình. Chúng tôi không phải không khuyến khích họ tiến hành các cuộc tấn công mới", người phát ngôn này nói thêm.
Cây bút Hirsh chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden trước kia từng hứa hỗ trợ Ukraine "tới chừng nào cần thiết", nhưng giữa tháng 12 lại nói rằng "tới chừng nào còn có thể".
Một số nhà phân tích tin rằng tín hiệu này thể hiện thông điệp "hãy sẵn sàng tuyên bố đạt chiến thắng một phần và tìm cách đạt được ít nhất thỏa thuận đình chiến hoặc ngừng bắn với Moscow". Thỏa thuận này nhiều khả năng sẽ khiến Ukraine bị chia cắt một phần.
"Rất có thể việc chuyển sang phòng thủ sẽ cho phép người Ukraine bảo tồn nguồn lực, đồng thời khiến Nga khó có thể đạt bước tiến trong tương lai", Anthony Pfaff, chuyên gia tình báo tại Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu dự đoán được Nga sẽ động binh với Ukraine nhiều năm trước khi nó xảy ra, cho biết.