Ngoại giao con thoi: Triều Tiên đang cần đồng minh mới?
Những chuyến công du liên tiếp chưa từng có tiền lệ của các quan chức cấp cao Triều Tiên đến Nga, Cuba và Guinea Xích Đạo có thể không chỉ đơn thuần mang tính nghi lễ.
Theo hãng tin NK News, việc chính quyền Bình Nhưỡng liên tục cử các quan chức cấp cao sang thăm Nga, Cuba và Guinea Xích đạo trong tuần này có thể cho thấy Triều Tiên đang thay đổi quan điểm về ngoại giao quốc tế.
Tất cả các chuyến thăm riêng rẽ đó đều được hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên công bố. Chúng tiếp sức cho nữưng đồn đoán rằng Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm các đồng minh mới trong bối cảnh nước này đang chịu hạn hán nặng nề và gia tăng căng thẳng với Hàn Quốc.
"Lý do Nga và Triều Tiên dường như đang tích cực hội đàm là bởi vì Triều Tiên thực sự không có đồng minh nào khác, khi quan hệ của nước này với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở nên bất ổn, ít nhất có thể nói như vậy", báo The Guardian dẫn lời Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc.
KCNA tiết lộ, ngày 23/6, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao (Quốc hội) Triều Tiên Choe Thae Bok đã lên đường thực hiện một chuyến công cán ngoại giao.
Tin cho biết, một phát ngôn viên Thượng viện Nga đã xác nhận cuộc gặp, cho biết phái viên Triều Tiên sẽ gặp Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko - một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trên chính trường Nga và đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ liên quan khủng hoảng Ukraina.
Nhà phân tích về Triều Tiên John Grisafi thuộc NK News cho rằng, bằng cách cử các thành viên đảng cấp cao và giàu kinh nghiệm ra nước ngoài, mục đích của Triều Tiên không chỉ dừng lại ở gặp gỡ và chào hỏi.
Ông Choe giữ nhiều vị trí cấp cao trong đảng, trong đó có chức vụ tạm quyền phụ trách các vấn đề quốc tế.
Triều Tiên cũng cử thành viên Bộ Chính trị và Thư ký Ủy ban Trung ương Đảng Kang Sok Ju tới Cuba, được tin là để thảo luận về viện trợ lương thực.
Kang Sok Ju hiện là thư ký phụ trách các vấn đề quốc tế của Đảng Lao động Triều Tiên. "Trong nhiều trường hợp, quan chức trong đảng chịu trách nhiệm về một vấn đề đã định thường có ảnh hưởng lớn hơn những người đồng cấp trong các bộ của chính phủ", chuyên gia Grisafi nói.
Cũng trong tuần này, Triều Tiên còn cử Bộ trưởng Ngoại giao Ri Su Yong tới Guinea Xích đạo, quốc gia nhiều khả năng là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du mà KCNA gọi là tới "một số nước châu Phi".
Đây là chuyến công du thứ 2 thuộc loại này trong vòng 9 tháng qua, sau khi quan chức cấp cao Kim Yong Nam tới các nước Uganda, Sudan và Cộng hòa Congo hồi tháng 10.