1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghị sĩ Nga trình dự luật vô hiệu hóa quyết định tặng Crimea cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Các nghị sĩ Nga đã đệ trình quốc hội một dự luật cho phép viết lại lịch sử, vô hiệu hóa quyết định trao tặng bán đảo Crimea cho Ukraine từ thời Liên Xô.

Nghị sĩ Nga trình dự luật vô hiệu hóa quyết định tặng Crimea cho Ukraine - 1

Cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga (Ảnh: Reuters).

TASS đưa tin, nghị sĩ Konstantin Zatulin và Sergei Tsekov đã trình lên Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) một dự luật nhằm vô hiệu hóa quyết định năm 1954 của chính quyền Liên Xô về việc trao bán đảo Crimea cho Ukraine.

Dự luật mô tả việc chuyển giao năm 1954 là tùy tiện và bất hợp pháp vì không có cuộc trưng cầu dân ý nào được tổ chức và chính quyền Liên Xô không có quyền chuyển nhượng lãnh thổ từ nước cộng hòa cấu thành này sang nước cộng hòa cấu thành khác mà không có sự đồng ý.

Theo đó, điều 1 của dự luật sẽ vô hiệu hóa quyết định đó với lý do quyết định đã vi phạm hiến pháp, vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Liên bang Nga, với tư cách là bên kế thừa hợp pháp của Liên Xô và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (RSFSR), "coi quyết định chuyển giao Crimea mà không tính đến ý chí của người dân Nga là một tội ác chính trị, một nỗ lực khắc phục hậu quả của hành động tùy tiện".

Hiện chưa rõ khi nào quốc hội Nga bắt đầu tranh luận về dự luật.

Theo Reuters, động thái của các nghị sĩ Nga nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nga để lập luận Crimea chưa bao giờ là một phần lãnh thổ của Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhiều lần chỉ trích quyết định bàn giao Crimea năm 1954 dưới thời lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là ông Nikita Khrushchev vi phạm các chuẩn mực pháp lý hiện hành vào thời điểm đó.

Sau một thời gian thuộc đế quốc Ottoman, Crimea trở thành lãnh thổ của Nga vào năm 1783, dưới thời của Nữ hoàng Catherine II.

Tuy nhiên, tới ngày 19/2/1954 khi bán đảo này trở thành "món quà" mà Tổng Bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev dành tặng nước Cộng hòa Xô Viết Ukraine. Đây là món quà nhằm kỷ niệm 300 năm ngày Ukraine ký hiệp ước Pereiaslav, thống nhất với chế độ Nga hoàng.

Vấn đề này được quyết định tại cuộc họp của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trong vòng 15 phút. Hầu hết mọi người đều đồng ý. Hiến pháp yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý, song cuộc trưng cầu đó không được thực hiện.

Crimea nằm trên một phần lục địa phía nam của Ukraine giữa Biển Đen và Biển Azov, ngăn cách với đất liền của Nga ở phía đồng bằng eo biển hẹp Kerch. Do ảnh hưởng từ lịch sử nên phần lớn cư dân đang sinh sống ở Crimea là người Nga, sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ chính.

Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số khoảng 2 triệu người, là điểm du lịch nổi tiếng với các khu nghỉ dưỡng bên bờ biển, các vách đá ven biển và các nhà máy sản xuất rượu vang cùng những cánh đồng lúa mì, những vườn cây đầy lê và anh đào.

Đặc biệt, thành phố cảng Sevastopol thuộc Crimea là nơi đồn trú Hạm đội Biển Đen của Nga từ nhiều năm qua và được coi là một căn cứ quân sự giữ vai trò chiến lược quan trọng với Moscow.

Bên cạnh vai trò giúp hải quân nước này đảm bảo tầm ảnh hưởng trong khu vực, Sevastopol cũng là cánh cửa duy nhất mở ra Địa Trung Hải cho các tàu chiến của Nga. Năm 2010, Nga và Ukraine đã ký kết một thỏa thuận gia hạn quyền hiện diện của hạm đội Nga ở Crimea cho đến năm 2042.

Với vị trí thuận lợi ở Biển Đen, Crimea trở thành điểm nhấn chiến lược trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga vào thời đó.

Đến năm 2014, Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi mà Ukraine và phương Tây không công nhận.

Crimea là một trong những điểm nóng trong cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua giữa Nga và Ukraine. Ukraine liên tục tập kích vào các mục tiêu của Nga trên bán đảo này. Kiev tuyên bố giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga kiểm soát, trong đó có Crimea.

Nghị sĩ Nga trình dự luật vô hiệu hóa quyết định tặng Crimea cho Ukraine - 2

Crimea nằm ở phía nam Ukraine (Ảnh: AFP).

Theo TASS, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine