Nghị sĩ Mỹ kêu gọi điều tra tình báo mạng xã hội TikTok của Trung Quốc
(Dân trí) - Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và nghị sĩ Tom Cotton đã kêu gọi giới chức tình báo điều tra xem liệu ứng dụng TikTok, một mạng xã hội và nền tảng video âm nhạc phổ biến của Trung Quốc, có gây ra các nguy cơ an ninh đối với Mỹ hay không.
Trong một lá thư gửi tới Quyền giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Joseph Macguire ngày 23/10, các thượng nghị sĩ Mỹ đã nêu ra những lo ngại về việc TikTok thu thập dữ liệu người dùng và liệu người dùng Mỹ có nhìn thấy các nội dung kiểm duyệt của Trung Quốc hay không. Bức thư cũng nghi ngờ rằng TikTok có thể là mục tiêu của các chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài.
Lo ngại ngày càng gia tăng tại Mỹ về các vấn đề an ninh và kiểm duyệt liên quan tới TikTok, thuộc sở hữu công ty công nghệ ByteDance tại Bắc Kinh, và các nền tảng nội dung khác của Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã đề nghị giới chức Mỹ xem xét các cáo buộc rằng chính phủ Trung Quốc sử dụng TikTok để kiểm soát chính trị.
“Với hơn 110 triệu lượt tải chỉ riêng tại Mỹ, TikTok là một mối đe dọa phản gián tiềm tàng mà chúng ta không thể phớt lờ”, Thượng nghị sĩ Schumer và Cotton viết.
Họ cũng hối thúc các nhà điều tra xem xét vấn đề TikTok thu thập dữ liệu liên quan tới địa điểm của người dùng và các thông tin nhạy cảm khác.
TikTok cho hay, dữ liệu người tại Mỹ được lưu trữ tại Mỹ, nhưng các nghị sĩ nhấn mạnh rằng ByteDance bị quản lý theo luật Trung Quốc.
Hồi tháng này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã đề nghị một ủy ban an ninh quốc gia Mỹ xem xét việc ByteDance mua ứng dụng hát nhép Musical.ly Inc của Mỹ hồi năm 2017. Ông viện dẫn những nghi ngờ về việc tại sao TikTok “chỉ có rất ít video về các cuộc biểu tình tại Hong Kong, đề tài vốn đã thống trị báo chí thế giới suốt nhiều tháng liền”.
Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg của mạng xã hội Facebook, hãng cũng cạnh tranh mạnh mẽ với Tiktok về người dùng trẻ, trước đó cũng tấn công ứng dụng này về các lo ngại kiểm duyệt.
Các lo ngại về nguy cơ gây ảnh hưởng của nước ngoài đối với các cuộc bầu cử tại Mỹ thông qua các mạng xã hội đã gia tăng kể từ khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Nga tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử hồi năm 2016. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.
Hồi tuần này, Facebook tiết lộ rằng hãng đã dừng một mạng lưới các tài khoản trên ứng dụng Instagram vận hành từ Nga vốn nhắm vào các cử tri Mỹ với các thông điệp chính trị gây chia rẽ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
An Bình
Theo Reuters