1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghệ thuật ngoại giao lôi cuốn thế giới của ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Sau nhiều năm ẩn mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thấy bước chuyển mình ngoạn mục về ngoại giao khi đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán cùng một loạt nước lớn, bao gồm cả những đối thủ từng có quan hệ căng thẳng trước đây.

Khoảnh khắc bắt tay lịch sử của hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều

Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ôm nhau thân mật tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ôm nhau thân mật tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Sau một năm căng thẳng với hàng loạt vụ phóng tên lửa đe dọa lục địa Mỹ và vụ thử hạt nhân mạnh chưa từng có, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã hoàn tất và bắt đầu chuyển sang lập trường hòa hoãn, hướng tới kế hoạch đàm phán với lãnh đạo các nước.

Ông Kim Jong-un đã kết nối với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đúng vào dịp quốc gia láng giềng đăng cai Thế vận hội mùa Đông, sau đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới quốc gia đồng minh thân cận Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm vực dậy mối quan hệ lạnh nhạt trong những năm gần đây. Ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào tuần tới tại Singapore và đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm với một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Sau nhiều năm ẩn mình, ông Kim Jong-un bất ngờ nổi lên như một nhà lãnh đạo quyền lực trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Syria, Hàn Quốc và Mỹ đều từng gặp hoặc dự kiến sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong năm nay. Ngoài những cuộc gặp đã và sắp diễn ra, Tổng thống Vladimir Putin đã gửi lời mời ông Kim Jong-un tới Nga vào tháng 9 và Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng thông báo muốn đến thăm Bình Nhưỡng.

“Chúng ta đang chứng kiến việc ông Kim Jong-un trở thành một chính khách quốc tế. Đây là màn ra mắt quốc tế hoàn toàn khác so với những gì chúng ta từng thấy vào năm 2010 khi ông Kim Jong-un, một gương mặt non trẻ và hoàn toàn mới, thừa kế ngôi vị lãnh đạo từ cha. Hiện tại, với việc sở hữu tên lửa đạn đạn đạo, ông Kim Jong-un nổi lên như lãnh đạo của một quốc gia tự xem mình là một cường quốc hạt nhân, đứng ngang hàng với các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới, bao gồm cả Mỹ”, Jean Lee, cựu trưởng văn phòng đại diện của hãng thông tấn AP tại Bình Nhưỡng, nhận định.

Toan tính của Triều Tiên

Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: KCNA)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: KCNA)

Theo Giáo sư Kim Hyun-wook tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, sự thay đổi của nhà lãnh đạo Kim Jong-un “nằm trong toan tính từ trước”.

“Ông Kim Jong-un biết rằng nếu ông bắt đầu hàn gắn mối quan hệ liên Triều, điều đó sẽ dẫn tới các cuộc đàm phán với Mỹ, và Trung Quốc cũng sẽ vào cuộc”, Giáo sư Kim cho biết.

Theo Ken Gause, tác giả của cuốn sách viết về Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có sự tính toán khi tăng cường các vụ thử tên lửa trong năm 2017 và chuyển hướng sang con đường ngoại giao trong năm nay.

“Ông Kim Jong-un nhiều khả năng đã rút ra kết luận rằng, cách duy nhất để đảm bảo sự thành công trên mặt trận ngoại giao là đi từ leo thang căng thẳng tới hạ nhiệt căng thẳng. Triều Tiên sẽ bước đến bàn đàm phán từ vị thế của nước mang sức mạnh”, chuyên gia Ken nhận định.

Trong các cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Trung Quốc, bao gồm những chuyến tản bộ dọc bờ biển và uống trà, ông Kim Jong-un xuất hiện với hình ảnh lịch thiệp và gần gũi, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh cứng rắn, “hét ra lửa” trước đây.

Không chỉ tiến hành các cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng cho thấy thái độ thiện chí khi thả 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ, đồng thời phá hủy khu thử hạt nhân duy nhất và dừng các vụ phóng tên lửa trong suốt 6 tháng qua.

“Kim Jong-un không chỉ giỏi trong việc gây sức ép tối đa, mà còn giỏi trong việc hợp tác tối đa”, Jung Pak, cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Brookings cho biết.

Chuyến thăm bất ngờ của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc

Theo chuyên gia Pak, ông Kim Jong-un đã cho thấy kỹ năng nhuần nhuyễn trong việc “sử dụng một số nước trong khu vực để đối phó với những nước khác”. Ông Pak cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã “xem Bắc Kinh như một đối trọng chủ chốt để đối phó với Mỹ”.

Theo AFP, đó là bước chuyển đổi kinh ngạc của một nhà lãnh đạo từng dành 6 năm sống trong cô lập, chưa bao giờ rời khỏi đất nước hay gặp gỡ các nguyên thủ nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, chính sách ngoại giao của ông Kim Jong-un đã mở rộng toàn diện, bao gồm việc trao đổi các đặc phái viên với Mỹ và tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên tiếp với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Giáo sư Koo Kab-woo tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định cách tiếp cận của ông Kim Jong-un với Trung Quốc là “hình mẫu điển hình của ngoại giao cân bằng”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 tại khu phi quân sự liên Triều.

“Ông ấy đã tiếp cận Washington thông qua Bắc Kinh và Seoul. Đây là cách hiệu quả nhất để một nước nhỏ có thể tăng sức bật ngoại giao”, Giáo sư Koo nói.

Nhân tố hậu thuẫn

Tổng thống Trump đón Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng hôm 1/6. Ông Kim Yong-chol đã mang thư của ông Kim Jong-un tới cho ông Trump. (Ảnh: Nhà Trắng)
Tổng thống Trump đón Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tại Nhà Trắng hôm 1/6. Ông Kim Yong-chol đã mang thư của ông Kim Jong-un tới cho ông Trump. (Ảnh: Nhà Trắng)

Theo BBC, có hai nhân tố giúp ông Kim Jong-un thực hiện thành công chiến lược ngoại giao của mình. Thứ nhất là nhà lãnh đạo theo đường lối tự do của Hàn Quốc Moon Jae-in. Ngay từ khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống, ông Moon đã cam kết sẽ hợp tác với Triều Tiên và tư tưởng này đã thúc đẩy ông thiết lập mối quan hệ gần gũi với Bình Nhưỡng.

Nhân tố thứ hai là Tổng thống Donald Trump. Giáo sư Koo cho rằng chính ông Trump đã tạo ra sân khấu cho ông Kim Jong-un thể hiện kỹ năng ngoại giao của mình. Các tổng thống Mỹ trước đây thường muốn nhận được các cam kết trước khi bắt đầu đàm phán với Triều Tiên. Tổng thống Trump thì khác. Ông đã nhanh chóng chấp nhận lời mời đàm phán của ông Kim Jong-un do các quan chức Hàn Quốc chuyển lời, thậm chí không cần hỏi ý kiến của các trợ lý.

Khi Tổng thống Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Moon và ông Kim đã nhanh chóng sắp xếp một cuộc gặp thứ hai. Tại cuộc gặp này, cả hai tái khẳng định cam kết đối thoại của Bình Nhưỡng. Chỉ sau vài ngày, ông Trump lại đổi ý và hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu.

“Hội nghị thượng đỉnh sẽ không thể diễn ra nếu không có sự phối hợp giữa Moon Jae-in, Donald Trump và Kim Jong-un. Ông Kim đã có được sự phối hợp tối ưu”, chuyên gia Koo nhận định.

Khi cả ông Trump và ông Kim đều cố gắng tạo thêm đòn bẩy, giới phân tích cho rằng chính sách ngoại giao cẩn trọng của nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ đảm bảo rằng Mỹ không thể nối lại việc gây sức ép với Bình Nhưỡng nếu hội nghị tuần tới thất bại. Ngoài cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn chưa công bố bất kỳ sự nhượng bộ nào trong khi Washington khăng khăng yêu cầu họ phải từ bỏ vũ khí.

Theo nhà phân tích Go Myong-hyun tại Viện nghiên cứu chính sách Asan, ngay cả khi thượng đỉnh Mỹ - Triều không thành công, ông Kim Jong-un có thể sẽ vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao “tấn công quyến rũ”, thay vì ngay lập tức quay trở lại con đường thử hạt nhân và tên lửa. Chuyên gia Go cho rằng “Hàn Quốc và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giúp đỡ Triều Tiên về ngoại giao”.

Thành Đạt

Theo AFP, BBC