Nga tuyên bố không can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ do người dân nước này quyết định.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ. Câu hỏi ai sẽ được bầu là dành cho cử tri", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nói với hãng tin Tass hôm 28/7.
Theo ông Medevdev, Nga sẽ chờ đợi cơ hội để tổng thống tương lai của Mỹ có thể cải thiện quan hệ và xoa dịu căng thẳng toàn cầu, nhưng tình hình không mấy lạc quan.
"Chúng tôi đang làm mọi cách để bảo vệ công dân của mình trước những mối đe dọa nguy hiểm nhất đang gia tăng theo cấp số nhân hiện nay. Chắc chắn, chúng tôi sẽ trao cơ hội cho tổng thống mới của Mỹ để tránh xa vực thẳm mà phương Tây đang đẩy toàn thế giới vào đó. Tuy nhiên, tình hình hiện tại không mấy lạc quan", ông Medevedev lưu ý.
Quan chức Nga cho rằng, hiện không có ai đủ nghiêm túc và có trách nhiệm trong giới lãnh đạo Mỹ để hợp tác và tiến hành đối thoại.
"Thật đáng tiếc khi chính sách của Mỹ đã trở nên già nua và về cơ bản là suy thoái, giống như toàn bộ thế giới phương Tây", ông Medvedev nhấn mạnh.
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ, thay thế cho vị trí của ông. Bà Harris nhận được sự ủng hộ từ nhiều chính trị gia hàng đầu của đảng Dân chủ và các nhà tài trợ lớn của đảng.
Sau khi Tổng thống Biden tuyên bố dừng tranh cử, Điện Kremlin cho biết Nga có những ưu tiên khác ngoài việc chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
"Đối với chúng tôi, việc đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt (tại Ukraine) là ưu tiên hàng đầu, hơn là kết quả của cuộc bầu cử Mỹ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Reuters hôm 9/7 dẫn lời một quan chức giấu tên của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (ODNI) cho rằng, dù không nêu rõ tên, nhưng Moscow một lần nữa ủng hộ ứng viên Cộng hòa Donald Trump làm tổng thống Mỹ tiếp theo.
Ông cũng cho biết cộng đồng tình báo Mỹ không thay đổi đánh giá so với các cuộc bầu cử trước. Những đánh giá đó cho thấy Moscow đã cố gắng thông qua các chiến dịch gây ảnh hưởng để giúp ông Trump giành chiến thắng vào năm 2016.
Ông Trump thường xuyên chỉ trích quy mô chương trình viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine: khoảng 60 tỷ USD kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022. Hai cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã đưa ra kế hoạch chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, trừ khi nước này đồng ý đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.
Về chính sách đối với NATO, ông Trump cho biết ông sẽ "khuyến khích" Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" với bất kỳ thành viên liên minh nào không chi đủ cho quốc phòng và ông sẽ không bảo vệ họ. Trong khi đó, hiến chương NATO bắt buộc các thành viên phải đứng ra bảo vệ các thành viên bị tấn công.
Theo quan chức tình báo giấu tên của Mỹ, Washington chưa phát hiện kế hoạch của bất kỳ quốc gia nào nhằm "làm suy giảm hoặc phá hoại" khả năng tổ chức bầu cử vào tháng 11 của nước này.
Tuy nhiên, Nga dường như đang thông qua mạng xã hội và các phương tiện khác đã bắt đầu cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhóm cử tri Mỹ cụ thể ở các bang chiến trường.
Quan chức này cho biết, Moscow xác định ứng cử viên mà họ sẵn sàng ủng hộ hay phản đối phần lớn dựa trên lập trường của họ đối với việc Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine và các vấn đề liên quan.