1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Trung tìm cách “khắc chế” đồng USD

Đức Hoàng

(Dân trí) - Bằng cách tạo ra đồng tiền và hệ thống tài chính riêng, liên minh kinh tế và thương mại do Nga hậu thuẫn muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD và Euro cho hoạt động thương mại nội bộ và với Trung Quốc.

Nga - Trung tìm cách “khắc chế” đồng USD - 1

Nga - Trung đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD (Ảnh minh họa: Reuters)

Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) - một đối tác với Liên minh châu Âu (EU) - là nhóm gồm 5 nước thành viên bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga. Các nước trong EAEU cam kết sẽ đảm bảo dòng chảy tự do của hàng hóa và hợp tác kinh tế, nhưng chưa có một đồng tiền chung như EU.

EAEU cũng đang thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc - nước đang mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Lục địa Á-Âu thông qua sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.

Bộ trưởng Hội nhập và Kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Á-Âu Sergei Glazyev hồi đầu tuần cho hay EAEU đang gia tăng sử dụng đồng tiền riêng của các quốc gia trong giao dịch thương mại để giảm thiểu rủi ro.

“Nga và Trung Quốc đã và đang tạo ra hệ thống thanh toán riêng và một hệ thống trao đổi thông tin điện tử giữa các ngân hàng, nhưng hoạt động kinh tế của các nước thành viên vẫn sử dụng một cách kém tích cực những hệ thống này và vẫn dùng đồng ngoại tệ”, ông Glazyev nói.

“Tôi tin rằng chúng ta nên đảo ngược tình hình và tạo ra đồng tiền và hệ thống riêng. Nó sẽ giúp chúng ta trước các mối đe dọa và nó sẽ tin cậy, minh bạch, tiện dụng, hiệu quả và sẽ không trở thành gánh nặng khi các bên tham gia hoạt động kinh tế”, quan chức trên nhận định.

Hiện khoảng một nửa các khoản thanh toán trong EAEU được thực hiện bằng đồng nội tệ của các quốc gia, trong khi tỉ lệ giao dịch với Trung Quốc vào khoảng 15%.

Ông Glazyev cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc ổn định tỷ giá hối đoái của các đồng nội tệ của các quốc gia khối, thiết lập các cơ chế định giá và trao đổi Á-Âu, đồng thời có các biện pháp khuyến khích việc thanh toán bằng đồng nội tệ của các quốc gia.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Năm 2014, Mỹ từng dùng quyền kiểm soát với hệ thống tài chính toàn cầu để trừng phạt Nga. Năm nay, Mỹ trừng phạt hàng loạt các công ty và quan chức Trung Quốc với cáo buộc họ đóng vai trò trong việc làm xói mòn cơ chế tự chủ của Hong Kong, giúp Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp trên Biển Đông và vấn đề Tân Cương.

Bắc Kinh hiện cũng đang tìm cách tăng tốc việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ trong các khoản thành toán toàn cầu để giảm "tổn thương" trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Trong quý 1 năm nay, chỉ có 46% các giao dịch thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc sử dụng đồng USD - lần đầu tiên trong lịch sử tỷ lệ này thấp dưới mức 50%. Con số này giảm mạnh so với năm 2015 - ở mức 90%.

Ngoài thương mại, Nga và Trung Quốc cũng củng cố hợp tác tài chính nhằm đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa. Năm ngoái, Moscow cho biết họ có kế hoạch tung ra trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ đầu tiên, với hy vọng nó sẽ thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc đối với Nga và giúp tạo ra các tiêu chuẩn cho việc thiết lập các cơ chế phòng trừ rủi ro cho đồng Rúp Nga và đồng Nhân dân tệ.