1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Trung "phù phép" khí quyển

Trung Quốc và Nga đang thử nghiệm một công nghệ gây tranh cãi nhằm chỉnh sửa tầng điện ly của khí quyển.

Theo tờ South China Morning Post, trong tháng 6-2018, các nhà khoa học của 2 nước đã tiến hành tổng cộng 5 thử nghiệm tại cơ sở đốt nóng khí quyển Sura ở thị trấn Vasilsursk - Nga.

Trong số này, cuộc thử nghiệm hôm 7-6 diễn ra ở độ cao 500 km trên bầu trời thị trấn Vasilsursk đã sinh ra lượng hạt hạ nguyên tử mang điện tích âm cao gấp 10 lần so với các khu vực xung quanh, gây nhiễu loạn một khu vực có diện tích 126.000 km2.

Trong một thí nghiệm khác hôm 12-6, nhiệt độ của lớp khí mỏng trên tầng điện ly đã tăng thêm hơn 100 độ C do sự chuyển động của các hạt điện tử (electron) được phóng ra từ Sura. Sử dụng một hệ thống ăng-ten năng lượng cao, cơ sở này bắn ra các luồng sóng vô tuyến cao tần lên khí quyển, với năng lượng cực đại có thể lên đến 260 Megawatt, đủ mạnh để phát sáng một thành phố nhỏ.

Cùng lúc, vệ tinh quan sát điện từ Trương Hành-1 của Trung Quốc thu thập dữ liệu bằng hệ thống cảm biến tối tân. Kết quả thu được là "rất đáng hài lòng" - nhóm nghiên cứu khẳng định trong báo cáo công bố trên tạp chí Trái đất và Vật lý hành tinh (Trung Quốc).


Vệ tinh quan sát điện từ Trương Hành-1 của Trung Quốc thu thập dữ liệu từ không gian nhờ hệ thống cảm biến hiện đại Ảnh: SCMP

Vệ tinh quan sát điện từ Trương Hành-1 của Trung Quốc thu thập dữ liệu từ không gian nhờ hệ thống cảm biến hiện đại Ảnh: SCMP

Tầng điện ly có khả năng phản chiếu sóng vô tuyến như một tấm gương, cho phép các tín hiệu vô tuyến dội lại và điều này được ứng dụng vào phát triển công nghệ liên lạc, kể cả liên lạc tàu ngầm.

Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội nhiều nước chạy đua phát triển công nghệ kiểm soát tầng điện ly. Việc thay đổi tầng điện ly trên lãnh thổ kẻ thù có thể làm gián đoạn, thậm chí cắt đứt liên lạc vệ tinh của họ.

Vào những năm 1990, quân đội Mỹ đã xây dựng một cơ sở lớn hơn Sura của Nga ở khu vực Gakona, bang Alaska, để tiến hành các thử nghiệm tương tự.

Nhiều chuyên gia lo ngại những cơ sở này có thể được sử dụng để thay đổi thời tiết hay gây ra những thảm họa thiên nhiên như lốc xoáy, bão và động đất. Một số chuyên gia còn cảnh báo sóng tần số siêu thấp được phóng ra từ những cơ sở này có thể ảnh hưởng đến não bộ.

Theo Cao Lực

Người lao động