1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga -Trung - Mỹ đua vũ khí tấn công từ ngoài Trái Đất

Ngoài việc phát triển vũ khí chống vệ tinh, các cường quốc quân sự còn tham vọng phát triển loại vũ khí tấn công mới từ căn cứ bên ngoài Trái Đất.

Kế hoạch của Nga

Lực lượng phòng không vũ trụ là một trong những binh chủng mới nhất của quân đội Nga, là sự kết hợp của Lực lượng phòng thủ không gian (theo dõi hoạt động các vệ tinh quay quanh Trái đất và kiểm soát không gian vũ trụ) và Lực lượng phòng không không quân.

Mục đích thành lập Lực lượng này nhằm bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công bằng đường không từ ngoài vũ trụ.

Trung tâm của hệ thống bảo vệ là trạm radar cảnh báo tên lửa tầm xa “Don-2N” đặt tại vùng Serpukhov, ngoại ô Moscow và hệ thống phòng thủ tên lửa A-135.

Sau khi thống nhất các lực lượng, một lá chắn tên lửa tầm cao được dàn trận, có thể đánh chặn được các mục tiêu như tên lửa đạn đạo, máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái ở các độ cao khác nhau. Nhờ đó, 90% khu vực thủ đô Moscow và khoảng 60% các khu công nghiệp trọng điểm của Nga được bảo vệ an toàn.
Đạn tên lửa của hệ thống A-135 được đưa vào hầm phóng.
Đạn tên lửa của hệ thống A-135 được đưa vào hầm phóng.

A-135 là hệ thống phòng thủ tên lửa độc nhất trên thế giới, bởi nó khác xa với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các nước khác. Các nhà thiết kế Nga đã chế tạo ra hệ thống phòng thủ này bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Độc nhất trong cách thức tiếp cận để đánh chặn các mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân. Khi thâm nhập vào tầng khí quyển, đơn vị chiến đấu của A-135 tăng vận tốc tới 10km/s. Tại thời điểm hiện tại, không radar nào có thể đo được vận tốc này.

Theo truyền thông phương Tây, ngoài lá chắn chống lại các cuộc tấn công từ vũ trụ, Nga còn đang phát triển chương trình vũ khí tấn công từ bên ngoài Trái đất.

Tham vọng của Mỹ

Theo National Interest (Mỹ), hiện nay Không quân Mỹ đang thực hiện chương trình phát triển vũ khí để ném bom bề mặt trái đất từ vũ trụ. Các loại vũ khí đặc biệt này với đầu đạn có vỏ bọc cứng làm từ những chất liệu đặc biệt sẽ được đưa lên quỹ đạo để bắn trả đối phương. Những đầu đạn loại này có thể bay với vận tốc hơn 3.000m/giây và khi trúng mục tiêu sẽ có sức công phá tương đương một vụ nổ hạt nhân nhỏ.

Các loại vũ khí tối tân về "tiềm lực quân sự vũ trụ" của Mỹ đến năm 2025 bao gồm: các thiết bị laser trên trạm quỹ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh và tấn công những mục tiêu đã định trên mặt đất; những vệ tinh quân sự làm nhiệm vụ "vệ sĩ" theo dõi và bảo vệ các mục tiêu quan trọng trong vũ trụ;

vũ khí năng lượng động lực chống vệ tinh của đối phương và đón đầu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa; các tàu vũ trụ-không gian thực hiện nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay tấn công của đối phương; những máy bay không người lái trên quỹ đạo tấn công những mục tiêu quan trọng trên mặt đất; các loại mìn bố trí trong vũ trụ có khả năng "bắn" hạ các vệ tinh của đối phương.
Phi thuyền X-37B đầy bí ẩn của Mỹ.
Phi thuyền X-37B đầy bí ẩn của Mỹ.

Ngay từ tháng 5/2007, Mỹ đã phóng thử nghiệm loại tiểu vệ tinh XSS-11 có khả năng đưa vệ tinh do thám và viễn thông của đối phương ra khỏi vị trí trên quỹ đạo của chúng.

Vệ tinh tình báo địa cực của Mỹ có quỹ đạo đi qua 2 cực Trái đất, trục quỹ đạo vuông góc với Xích đạo để chụp ảnh do thám nhiều nước khác và tiến hành các hoạt động quân sự như tình báo điện tử và những hoạt động tương tự.

Cục đại dương và khí quyển quốc gia, Bộ Quốc phòng và NASA đang phối hợp phát triển Hệ thống Vệ tinh môi trường quỹ đạo địa cực quốc gia-một hệ thống tiêu tốn hàng chục triệu USD.

Mỹ đang triển khai một dự án khổng lồ nữa ngốn đến 3 tỉ USD với mục đích chính là phóng các vệ tinh do thám quân sự-thời tiết vào quỹ đạo địa cực, cung cấp thông tin dự báo thời tiết trước 3-7 ngày cho quân đội. Quân đội Mỹ cũng lên lắp đặt hệ thống chụp ảnh Landsat, một hệ thống sẽ biến vệ tinh thời tiết thành vệ tinh tình báo.

Qua vô số bằng chứng có thể thấy trong hàng chục năm qua, nước Mỹ đã nghiên cứu và phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh của nhiều nước. Năm 2003, không quân Mỹ nghiên cứu và phát triển hệ thống chống liên lạc và hệ thống cảm ứng chống do thám (CSRS), và trong khoảng 2005-2009 triển khai 2 hệ thống này để bảo vệ trước các nguy cơ vệ tinh, và tuyên bố hệ thống chống liên lạc hiện đã đi vào vận hành.
 
Hệ thống này ngốn đến 22 triệu USD, hoạt động dựa trên sóng radio cao tần, có thể tấn công chớp nhoáng vào các vệ tinh, gây nhiễu liên lạc vệ tinh của các cường quốc đối thủ, cho phép Mỹ hiện thực hoá giấc mơ bá chủ không gian.

Trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Washington cuối năm 2005, tướng L.Lốt (về hưu) là người đứng đầu Bộ chỉ huy không gian không lực Hoa Kỳ đã tuyên bố: không lực đã triển khai các vệ tinh có khả năng tiến hành chiến tranh điện tử chống lại quân đội bất kỳ nước nào.

Ông này cũng nói thẳng là Bộ chỉ huy này hiện đang phụ trách việc giám sát và bảo vệ quốc gia trước các cuộc tấn công vệ tinh và gây nhiễu tín hiệu, và thậm chí nó sẽ đóng vai trò then chốt trong các cuộc tiến công nhằm vào thiết bị của kẻ thù.
Robot Thỏ Ngọc được Trung Quốc đưa lên Mặt trăng.
Robot Thỏ Ngọc được Trung Quốc đưa lên Mặt trăng.

Toan tính của Trung Quốc

Ngay từ năm 2013 khi Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò đầu tiên mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc lên Mặt trăng, phương Tây đã nghi ngờ rằng đây là tham vọng quân sự mới của Trung Quốc.

Sự kiện robot tự hành Thỏ Ngọc đổ bộ thành công lên Mặt trăng đánh dấu bước đi mới nhất trong chương trình không gian đầy tham vọng mà chính quyền Bắc Kinh theo đuổi. Trung Quốc khẳng định, chính nguồn tài nguyên của Mặt trăng là lý do chủ yếu thúc đẩy chương trình không gian này của Trung Quốc.

Để khẳng định tuyên bố của mình, Tân Hoa Xã cho biết, ngay trong kết cấu của robot tự hành Thỏ Ngọc đã được trang bị radar gắn dưới bụng để phát hiện các khoáng chất của vỏ Mặt trăng, đặc biệt ở vùng Vịnh Cầu Vồng. Điều này cũng được các diễn đàn Internet của Trung Quốc cho là như vậy.

Tân Hoa Xã cho biết thêm, khoáng chất mà Trung Quốc nhắm tới là một loại khí hiếm Heli-3 có nhiều ở trên Mặt trăng. Nó được xem là “nguồn năng lượng hoàn hảo để thay thế dầu khí”.

Trong khi đó, giới chức Trung Quốc cũng khẳng định, Heli-3 trên Mặt trăng có thể được sử dụng để tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào trong hơn 10 nghìn năm mà các lò phản ứng nhiệt hạch khó mơ ước tới.

Ông Ouyang Ziyuan cố vấn cấp cao của Chương trình Mặt trăng của Trung Quốc cho biết trên Tân Hoa Xã: “Mọi người đều biết nhiên liệu hóa thạch như khí đốt và than đá một ngày nào đó sẽ cạn kiệt, nhưng hiện nay có ít nhất một triệu tấn Heli-3 trên Mặt trăng vẫn chưa khai thác”.

Mặc dù Trung Quốc khẳng định khai thác khoáng sản là mục đích duy nhất của mình, nhưng một số chuyên gia nhận định đây không phải là mục đích mà Bắc Kinh theo đuổi.

Bởi theo ông Bergquist Giám đốc quan hệ quốc tế tại Cơ quan Không gian châu u (ESA): “Tại châu u, chúng tôi tin rằng chi phí để khai thác khoáng chất trên Mặt trăng khiến việc khai thác này không thể sinh lời”.

Do đó, nhiều chuyên gia nghi ngờ động cơ thực sự của Trung Quốc. Trang Want China Times dẫn lời một chuyên gia Trung tâm Khám phá Mặt trăng của Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang có ý định biến Mặt trăng thành một căn cứ quân sự. Khi đó, từ Mặt trăng, các tên lửa sẽ được phóng thẳng vào Trái đất.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, nếu vệ tinh tự nhiên của Trái đất được trưng dụng làm căn cứ quân sự, nó sẽ là một vũ khí khổng lồ.

Bài báo mô tả căn cứ quân sự “tương lai” này của Trung Quốc có vẻ khá giống với dự án Horizon mà Mỹ khởi động trong thập niên 1950. Tuy nhiên, do chi phí quá lớn cộng thêm thiếu tính khả thi, cuối cùng dự án này đã bị bỏ ngỏ giữa chừng.

 
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt