1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tìm cách chấm dứt phụ thuộc vào công nghệ Nga

(Dân trí) - Bắc Kinh sẽ không còn phải phụ thuộc vào công nghệ và động cơ của Nga trong 10 năm tới, Phó Giáo sư Robert Farley tại Viện Nghiên cứu Thương mại Quốc tế và Ngoại giao thuộc Đại học Kentucky của Mỹ nhận định.

Mẫu máy bay chiến đấu JF-17 mà Trung Quốc bán cho quân đội Pakistan (Ảnh: 

Mẫu máy bay chiến đấu JF-17 mà Trung Quốc bán cho quân đội Pakistan (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trong bài viết nhận định về sức mạnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong năm 2025 trên tạp chí National Interest số ra ngày 2/7, ông Farley cho rằng bộ binh, hải quân và không quân Trung Quốc hiện nay đã có bước tiến rõ rệt so với những năm 1990. 

Vào thời điểm đó, quân đội Trung Quốc vẫn sử dụng những thiết bị lỗi thời và thường tập trung vào làm kinh tế, thay cho việc lên kế hoạch đề phòng những cuộc xung đột. Ngoài ra, quân đội Trung Quốc lúc đó cũng tập trung đối phó với những mối đe dọa từ phương Bắc hơn là từ phương Đông như hiện nay. 

Cũng theo Phó Giáo sư Robert Farley, quân đội Trung Quốc hiện vẫn còn kém quân đội Mỹ về kinh nghiệm chiến đấu. Qua những gì mà quân đội Mỹ đã thể hiện tại các chiến trường khắc nghiệt như Iraq và Afghanítan, có thể thấy rõ đây vẫn là đội quân kết hợp được giữa kinh nghiệm trận mạc với các loại vũ khí tiên tiến nhất. Do đó, việc Trung Quốc chưa khi nào bước vào một cuộc chiến thực sự cũng đặt ra nghi vấn về khả năng tác chiến của quân đội nước này. 

Phó Giáo sư Farley cho rằng hiện chưa rõ liệu quân đội Trung Quốc có phải đang bắt đầu quá trình chấm dứt giai đoạn bị coi là chỉ giỏi đấu “võ mồm” hay không. Theo đó, quốc gia Đông Bắc Á này đang cố gắng khắc phục yếu điểm thiếu kinh nghiệm chiến đấu của các lực lượng bằng hệ thống các cuộc tập trận đa dạng. Điều này đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc sẽ sở hữu những lực lượng thiện chiến trong 10 năm tới. 

Ngoài ra, Bắc Kinh được cho là đang chuẩn bị cho một chiến lược cho phép kiểm soát các “mặt trận” khác mỗi khi xảy ra xung đột. Chiến lược này bao gồm các phương thức như vận động chính trị, pháp luật, ý kiến dư luận và các kỹ thuật chiến tranh tâm lý nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến trên thực địa. 

Bắc Kinh hiện đang muốn đẩy lùi “bóng” của các lực lượng Mỹ tại những khu vực xung quanh nước này. Do đó, quân đội Trung Quốc cần phải mạnh mẽ và đoàn kết hơn. Đây cũng chính là một mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang cố gắng thực hiện bằng chính sách chống tham nhũng, qua đó hạn chế nạn bè phái và đòi hỏi các cấp dưới phải tuyệt đối trung thành với Đảng. 

Trong khi đó, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các hệ thống vũ khí tiên tiến và công nghệ của Nga sẽ giảm dần. Trong 10 năm tới, Phó Giáo sư Farley cho rằng Nga có thể không còn ưu thế trước Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ bước ra khỏi “cái bóng” của Nga. 

Mặc dù khó có khả năng Trung Quốc xây dựng được một liên minh với nước này làm trọng tâm trong thập niên tới song Phó Giáo sư Farley đánh giá Bắc Kinh sẽ sớm trở thành nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Lấy ví dụ như hợp đồng bán tàu ngầm cho Thái Lan hay máy bay chiến đấu JF-17 cho Argengtina, Phó Giáo sư Farley nhận định các hợp đồng bán vũ khí sẽ giúp Trung Quốc có lợi về cả chính trị và kinh tế, qua đó có thêm nguồn lực để đầu tư, bảo dưỡng, huấn luyện và nâng cấp các lực lượng của quân đội.   
Ngọc Anh 
Theo WantChinaTimes