1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga-Trung: Cảnh báo nguy cơ xung đột khi Nhật Bản triển khai THAAD

Trước nguy cơ từ các vụ phóng tên lửa và thử vũ khí hạt nhân gần đây từ Triều Tiên cùng những căng thẳng với các nước láng giềng liên quan tới tranh chấp chủ quyền, Nhật Bản đang quyết tâm “dựng” thêm các “hàng rào tên lửa” để bảo vệ đất nước. Rất có thể Nhật Bản sẽ mua Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Tính toán này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc.

Có THAAD để hoàn thiện quy trình đánh chặn

Nguồn tin từ Nhật Bản cho hay, cuối tháng 3 vừa qua, các thành viên lãnh đạo cấp cao của đảng Tự do Dân chủ (LDP), đảng cầm quyền Nhật Bản đã đưa ra một bản kiến nghị lên Thủ tướng Shinzo Abe, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản mua sắm Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. LDP cho rằng cần tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng cần nhanh chóng bố trí ngân sách để đổi mới và nâng cấp các trang bị quân sự có liên quan.

Các nhà lãnh đạo của LDP cho rằng, với việc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo trong thời gian gần đây, Nhật Bản cảm thấy "mối đe dọa" từ Triều Tiên đã nâng cấp. Để ứng phó, ngoài hệ thống Aegis mặt đất, còn cần hợp tác với Mỹ triển khai trước hệ thống đánh chặn trên biển, xây dựng được khả năng đánh đòn phủ đầu đối với căn cứ tên lửa của đối phương.

Ngay từ cuối năm 2016, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thành lập ủy ban do Thứ trưởng Quốc phòng đứng đầu để nghiên cứu khả năng nhập khẩu THAAD. Tháng 1-2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đã đến thăm căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam (Mỹ), thị sát hệ thống THAAD của quân đội Mỹ. Bà Tomomi Inada coi THAAD là "một phương án lựa chọn để đổi mới hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản", đồng thời cho biết sẽ hoàn thành quy hoạch phòng thủ tên lửa trước mùa hè năm 2017.

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Nhật Bản, sở dĩ Nhật Bản muốn mua THAAD là để củng cố cho mạng lưới phòng không của nước này. Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng cấp 2 tàu tên lửa đánh chặn Aegis và mua thêm 2 chiếc khác từ Mỹ. Nhật Bản hiện đang có 4 tàu khu trục Aegis, phóng được tên lửa đánh chặn SM-3 và có kế hoạch nâng cấp 2 chiếc còn lại vào năm 2018. Giờ đây, Chính phủ Nhật tiếp tục lên kế hoạch mua thêm 2 chiếc khác từ Mỹ vào năm 2020.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tới Guam xem xét THAAD. Ảnh: Asahi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tới Guam xem xét THAAD. Ảnh: Asahi.

Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ cũng đã nghiên cứu gần xong phiên bản tên lửa SM-3 Block 2A với tầm bắn lớn hơn, để thay thế cho Block 1A hiện nay. Với phiên bản mới của SM-3, Nhật Bản chỉ cần 2 tàu Aegis để bao phủ phòng không cho toàn bộ đất nước thay vì 3 chiếc như hiện nay.

Các chuyên gia quân sự Nhật Bản đã tính toán, các hệ thống phòng không của Nhật Bản hiện nay bao gồm 2 lớp là các tên lửa SM-3 phóng từ tàu Aegis, có nhiệm vụ đánh chặn tên lửa tầm cao hơn 100km và hệ thống Patriot tiêu diệt mục tiêu ở tầm cao dưới 20km.

Nếu SM-3 trượt mục tiêu, tổ hợp phòng không Patriot được cho là khó có thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm trung như Nodong của Triều Tiên vì khi trở lại bầu khí quyển, nó sẽ đạt tốc độ từ 3 đến 7km/s, như vậy, hệ thống THAAD là cần thiết do nó sẽ tiêu diệt tên lửa ngay khi vừa trở lại khí quyển và chưa có tốc độ quá nhanh.

Với việc nắm trong tay hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 cùng dàn tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, Nhật Bản hiện đã sẵn sàng đối phó với bất cứ cuộc tấn công nào liên quan tới tên lửa của Triều Tiên. Nhưng khi triển khai THAAD, phạm vi phòng thủ tên lửa của Nhật Bản sẽ được mở rộng hơn so với hiện nay.

Một chuyên gia quân sự Nhật Bản phân tích, tháng 6-2016, tên lửa Musudan tầm trung đã đạt độ cao 1.000 km trên đường bay, đánh dấu một bước đột phá cho phép các đầu đạn của Bình Nhưỡng vượt ngoài tầm bắn của các tàu khu trục Aegis BMD đang tuần tra trên biển Nhật Bản. Do đó, các khẩu đội tên lửa Patriot PAC-3 cũ hơn sẽ trở thành hàng phòng vệ cuối cùng của Nhật Bản bảo vệ các thành phố lớn, trong đó có Tokyo.

Theo các nguồn tin, một chương trình cải thiện tầm bắn và độ chính xác cho các khẩu đội pháo này trị giá 1 tỷ USD sẽ được bắt đầu sau tháng 3-2017, song phải tới tận Thế vận hội Tokyo 2020 mới có thể hoàn thành.

Các đầu đạn từ các tên lửa như Rodong của Bình Nhưỡng, với tầm bắn ước tính 1.300 km, di chuyển với tốc độ tới 3km/s. Song các tên lửa như Musudan, bay xa tới 3.000km, sẽ lao xuống từ trên không trung với tốc độ tới 21km/s, có khả năng là quá nhanh so với Patriot hiện có.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa chắc rằng các tên lửa SM-3 chặn được các đầu đạn ngay trên không trung, do đó, mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Hãng Lockheed Martin để bổ sung lớp giữa cho BMD là biện pháp hợp lý nhất. Một nguồn tin từ lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) nói: “Lựa chọn duy nhất của chúng tôi hiện nay có lẽ là phải dựa vào Mỹ để ngăn chặn nguy cơ từ các nước láng giềng”.

Một mũi tên... nhiều mục đích

Việc Nhật Bản có ý định nhập khẩu THAAD với mục đích phòng thủ tên lửa từ Triều Tiên chỉ là một phần nhỏ. Các chuyên gia nhận định rằng, tính chất triển khai THAAD của Nhật Bản khác với Hàn Quốc. Nhật Bản nhập khẩu THAAD thực chất là để nâng cấp khả năng phòng thủ quân sự của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, THAAD là một lá chắn phòng thủ.

Hệ thống này một khi được hoàn thành xây dựng, sẽ có tác dụng thúc đẩy rất lớn đối với việc Nhật Bản tiến hành sửa đổi hiến pháp, xây dựng thành công hệ thống quân sự hoàn chỉnh, đạt được mục tiêu chiến lược trở thành nước lớn quân sự.

Không chỉ có vậy, triển khai THAAD còn giúp điều chỉnh trách nhiệm phòng vệ của đồng minh Nhật - Mỹ. Triển khai THAAD cũng là một trong những biện pháp kéo gần quan hệ với Mỹ. Việc Nhật Bản mua hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với chính quyền Donald Trump và các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, làm cho việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ kiện toàn hơn.

Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, quyền tự vệ quân sự của Nhật Bản bị hạn chế, chỉ dựa vào ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ, dựa vào quân đội Mỹ để bảo vệ an ninh. Từ năm 2012 đến nay, Nhật Bản đã bắt đầu nới lỏng lệnh cấm xuất nhập khẩu vũ khí, tiến tới xóa bỏ trở ngại để Nhật Bản trở thành "quốc gia bình thường" về quân sự.

Mô phỏng quy trình hoạt động của THAAD. Ảnh: TheStrategicTimes.com.
Mô phỏng quy trình hoạt động của THAAD. Ảnh: TheStrategicTimes.com.

Tờ Tin tức Asahi cho rằng chính quyền Shinzo Abe sẽ sớm xây dựng Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn, tiến hành nâng cấp mạng lưới phòng thủ tên lửa hai cấp hiện nay, có khả năng phòng thủ tên lửa như quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, cái lợi của Nhật Bản lại bị những nước khác cho là cái “hại”. Trung Quốc và Nga cho rằng, sự hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản trong triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD đang thách thức cân bằng chiến lược của khu vực Đông Á. Đặc biệt là đối với khu vực Đông Bắc Á, xây dựng hệ thống THAAD thực sự đã làm trầm trọng hơn chạy đua vũ trang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là làm gia tăng mức độ theo dõi của Mỹ đối với các nước trong khu vực này, gây ra hậu quả mất cân bằng chiến lược.

Trong cuộc phỏng vấn với với hãng tin Sputnik, chuyên gia Valery Kistanov tại Viện Viễn Đông ở Moscow nhận định: Trong chương trình triển khai lá chắn tên lửa trên khắp toàn cầu, Mỹ muốn đặt THAAD ở vùng Viễn Đông để ngăn chặn các đợt tấn công từ Nga. Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản lại là những đồng minh thân thiết của Mỹ.

Còn tại châu Âu, Mỹ đã đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania và Ba Lan. Cũng theo ông Kistanov, kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ tại Nhật Bản không chỉ nhằm kiềm chế lực lượng hạt nhân của Nga mà còn từ Trung Quốc.

Chuyên gia quân sự tại Moscow, ông Vladimir Yevseyev lại cho rằng, việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc đã quá phức tạp và đang gây chia rẽ Hàn Quốc và Trung Quốc. Nếu Nhật Bản triển khai THAAD, chắc chắn Trung Quốc sẽ có phản ứng tương tự như với Hàn Quốc.

Phân tích về những hệ lụy an ninh có thể xảy ra, Thiếu tướng Diêu Vân Trúc, từng làm việc tại Viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh thực chất là xây dựng một "mạng lưới phòng thủ tên lửa" ở tuyến một gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia. Trung Quốc lo ngại hệ thống này có ảnh hưởng sâu xa tới Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc lo ngại radar của hệ thống THAAD có thể dò tìm được hoạt động phóng của tên lửa Trung Quốc trong nội địa, giúp Mỹ có được khả năng cảnh báo sớm. Nói cách khác, hiện nay, Trung Quốc không chỉ phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, mà còn phản đối việc triển khai loại radar này ở Nhật Bản, Australia và khả năng triển khai ở Đài Loan trong tương lai. Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố quân đội Trung Quốc không chỉ nói suông.

Thậm chí, một viên tướng Trung Quốc đã nêu ra biện pháp đối phó với THAAD. Đối với radar AN/TPY-2 của hệ thống THAAD, Trung Quốc có thể sử dụng radar mảng pha cỡ lớn để tiến hành gây nhiễu. Ngoài ra, Trung Quốc có thể triển khai tên lửa kiểu cơ động như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông phong-41, diện tích phản xạ nhỏ hơn để răn đe.

Thậm chí Trung Quốc còn cảnh báo có thể tiến hành tấn công "cứng" đối với radar AN/TPY-2, đây là biện pháp giải quyết có hiệu quả và nhanh chóng. Khi đó, Trung Quốc có thể bí mật sử dụng máy bay (như máy bay chiến đấu tàng hình) hoặc tên lửa hành trình để tiến hành tấn công chính xác. Trung Quốc cũng có thể sử dụng tên lửa đạn đạo có khả năng đột phá phòng không như Đông phong-16B lắp đầu đạn chùm để tấn công trận địa THAAD, tiêu diệt hệ thống radar.

Nguy cơ xung đột giữa các siêu cường

Đại diện quân đội Trung Quốc và Nga đã thống nhất quan điểm cho rằng việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và tới đây có thể là Nhật Bản rõ ràng không phù hợp với những gì đã tuyên bố. Những cảnh báo của Trung Quốc và Nga cho thấy nguy cơ về sự căng thẳng ở Đông Bắc Á, đặc biệt là vùng biển Hoa Đông.

Mới đây, mạng tin CNBC có đăng tải một bài viết cho rằng thế giới đang chứng kiến những căng thẳng leo thang trên biển Hoa Đông, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc chiến lớn giữa các siêu cường do các nước ngày càng triển khai nhiều hơn các hoạt động quân sự ở khu vực biển Hoa Đông.

Thực tế tại khu vực này đang khiến nhiều nước lo ngại. Các vụ máy bay chiến đấu chạm trán trên Biển Hoa Đông đang ngày càng gia tăng. Kể từ tháng 4/2016, trung bình Nhật Bản phải chặn máy bay Trung Quốc 2 lần/ngày, gần gấp đôi so với 12 tháng trước đó.

Nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự trong không phận Nhật Bản, lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đã tăng gấp đôi số lượng máy bay chiến đấu tại căn cứ không quân Naha để ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Điều này làm tăng nguy cơ dẫn đến một sự đối đầu bất ngờ và có thể kéo theo các nước khác, ví dụ như Mỹ, vào một cuộc xung đột.

Thiếu tướng Thái Quân, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho biết, hệ thống phòng thủ tại châu Á - Thái Bình Dương là mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ. THAAD có ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến mối quan hệ giữa các nước lớn, an ninh và hòa bình quốc tế cũng như tiến trình khống chế và giải trừ quân bị.

Ông nhấn mạnh Mỹ và Hàn Quốc quyết định bố trí THAAD là không phù hợp với những gì họ tuyên bố, không giúp cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở bán đảo này. Ngoài ra, điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích an ninh của các nước liên quan, trong đó có cả Trung Quốc và Nga.

Đại diện phía Nga, Trung tướng Viktor Poznihir cho biết, với việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, trang bị khả năng tấn công cực mạnh, Mỹ đang hướng thẳng mục tiêu nhằm vào Nga và Trung Quốc.

Hai giáo sư về quan hệ quốc tế, ông Barry Buzan và ông Ole Wover, khẳng định, THAAD đang gây chia rẽ bởi hai bên gồm Trung-Nga-Triều và Nhật-Mỹ-Hàn.

Theo Hoa Huyền

An ninh thế giới