1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản cân nhắc trang bị vũ khí tấn công đầu tiên sau hơn 70 năm

(Dân trí) - Nhật Bản nên tự trang bị cho mình các vũ khí tấn công tầm xa, một nhóm nghiên cứu chính sách trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe hôm nay cho biết, trong một động thái được xem là mới mẻ so với lập trường thận trọng về quốc phòng mà nước này đã duy trì kể từ Thế chiến II.


Tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Bloomberg đưa tin, nhóm trên, do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera đứng đầu, đã hối thúc chính phủ bắt đầu cân nhắc ngay tức thì về việc sở hữu khả năng tấn công một căn cứ nước ngoài, theo một tài liệu gửi cho các phóng viên ngày 29/3. Nhóm cho rằng, ngân sách cần thiết nên được tính đến, viện dẫn “cấp độ đe dọa mới” từ Triều Tiên. Một ủy ban lớn hơn trong đảng sẽ xem xét đề xuất vào ngày mai 30/3 và sẽ sớm trình lên Thủ tướng Abe.

Nhóm của LDP đề xuất rằng sở hữu tên lửa hành trình có thể là một lựa chọn cho Nhật Bản. Mặc dù các đề xuất sở hữu khả năng tấn công tầm xa đã được đưa ra vài lần trước đây nhưng các vụ phóng tên lửa đồng thời của Triều Tiên hồi đầu tháng này - mà 3 trong đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản - đã cho thấy tình trạng cấp bách mới.

“Đây là một vấn đề cấp bách, và là đảng cầm quyền, chúng ta có trách nhiệm làm lắng dịu sự lo lắng của người dân Nhật Bản”, nghị sĩ Hiroshi Imazu của đảng LDP, người đứng đầu ủy ban quốc phòng của đảng, cho biết.

Bị hạn chế bởi hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II, Nhật Bản chủ yếu phụ thuộc vào Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng gia tăng trong khu vực. Các chính quyền tiền nhiệm của Nhật kể từ những năm 1950 đã nói rằng hiến pháp không ngăn cản quyền tấn công một căn cứ nước ngoài nếu Nhật Bản gặp phải mối đe dọa hiện hữu. Chính phủ Nhật chưa bao giờ sở hữu các vũ khí để tiến hành một cuộc tấn công như vậy, một phần vì lo ngại rằng nó sẽ làm sống lại quá khứ quân phiệt của nước này trong khu vực.

“Điều chúng tôi đang thảo luận trong đảng không phải là các cuộc tấn công phủ đầu”, ông Takeshi Iwaya, một thành viên của nhóm nghiên cứu chính sách LDP, cho biết hôm nay. “Nếu có một cuộc tấn công dồn dập - nếu vài tên lửa bị bắn về phía chúng ta cùng lúc - chúng ta sẽ không thể đối phó được bằng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện thời. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng nên cân nhắc khả năng đáp trả và ngăn chặn một cuộc tấn công khác”.

Do những lo ngại ngày càng gia tăng về khả năng quân sự của Triều Tiên, nhóm nghiên cứu cũng sẽ đề xuất rằng Nhật Bản nên cân nhắc tăng cường khả năng nhằm đánh chặn các tên lửa đang đến gần bằng việc sử dụng các công nghệ mới như hệ thống tên lửa THAAD hay các hệ thống phòng thủ trên bờ Aegis. Nhóm cũng hối thúc chính phủ cân nhắc cách thức đối phó với các tên lửa có thể rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, thay vì chỉ lãnh hải, nhằm bảo vệ các tuyến vận tải trên biển của nước này.

Nhật Bản hiện có một hệ thống phòng thủ tên lửa 2 tầng, bao gồm các tên lửa đánh chặn SM-3 được sử dụng trên tàu và tên lửa PAC-3 trên bộ. Cả hai đều đang được hiện đại hóa.

Thủ tướng Shinzo Abe đã thay đổi lập trường an ninh của Nhật Bản kể từ khi trở lại cương vị thủ tướng vào năm 2012, dỡ bỏ một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí và diễn giải lại hiến pháp hòa bình để cho phép bảo vệ các đồng minh. Một sự thay đổi khác đối với lập trường quân sự của Nhật Bản nhiều khả năng cần một quyết định của nội các, với sự đồng thuận của tất cả các bộ trưởng.

An Bình